Thị trường nội địa là động lực chính cho doanh nghiệp tại Thái Bình phát triển
Thị trường nội địa được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, nhiều hoạt động kích cầu nội địa đã và đang được nhiều doanh nghiệp triển khai.
>>>Thái Bình: Đưa nghề về cho phụ nữ
Thị trường màu mỡ
Theo Sở Công thương Thái Bình: Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai có hiệu quả thời gian qua đã khẳng định đây là giải pháp quan trọng tạo ra không gian phát triển và lợi thế giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển thị trường trong nước để kích thích tiêu dùng nội địa chính là tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam thêm cơ hội phát triển, tích lũy năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp, hàng hóa nước ngoài.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, năm 2021 UBND tỉnh Thái Bình đã xây dựng và triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nội dung của đề án tới các tầng lớp nhân dân, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết: Công tác thông tin, truyền thông đã làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa và thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý nhà nước cùng với người dân và doanh nghiệp từng bước xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho hàng hóa, nông sản của tỉnh đồng thời khi mua sắm tài sản, hàng hóa tiêu dùng đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm dịch vụ, hàng hóa nguồn gốc xuất xứ Việt Nam.
Tạo không gian và lợi thế cho doanh nghiệp phát triển
Trong những năm gần đây, hạ tầng thương mại của tỉnh Thái Bình không ngừng được đầu tư hiện đại đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và hoạt động kinh doanh của tiểu thương, doanh nghiệp. Ngoài hệ thống chợ dân sinh được cải tạo, nâng cấp, xây mới, các loại hình thương mại như cửa hàng tự chọn, siêu thị, trung tâm thương mại cũng nở rộ mang tới trải nghiệm tiêu dùng mới và mở ra không gian tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề.
Ông Trần Hữu Hạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư) cho biết: Nhờ có các siêu thị như WinMart, GO! Thái Bình mà sản phẩm bún, phở tươi và khô của chúng tôi tiếp cận nhanh thị trường. Đây là hệ thống phân phối, kinh doanh văn minh không chỉ giúp cho các nhà sản xuất tăng sản lượng tiêu thụ mà còn quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới tới người tiêu dùng rất hiệu quả.
Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam luôn được các sở, ngành, địa phương ưu tiên chỉ đạo và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các hoạt động như xây dựng điểm bán hàng Việt, khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tổ chức hội chợ, hội nghị, hội thảo bàn phát triển thị trường lúa gạo, kết nối giao thương với các địa phương, đơn vị đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là thị trường có đầy tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Đây là “lãnh địa” lớn để doanh nghiệp khai thác, mở rộng chuỗi phân phối sản phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này bà Ngô Thị Liên - Trưởng phòng Quản lý XNK - Sở Công Thương cho biết: Trong 3 năm qua, chúng tôi đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh về ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Sở hỗ trợ duy trì hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (ecthaibinh.com) với gần 300 gian hàng online quảng bá miễn phí cho hơn 2.000 sản phẩm; liên kết quảng bá trên sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hải Phòng, Bắc Giang, Nghệ An...
Thời gian qua. sở Công Thương Thái Bình cũng hỗ trợ cho gần 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu thiết kế, xây dựng, duy trì hoạt động website thương mại điện tử riêng, mang lại hiệu quả tích cực trong tiêu thụ sản phẩm.
Trong những năm qua, các sở, ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Hàng loạt chuyên đề kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... được triển khai, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Vì vậy, thị trường luôn giữ ổn định, người tiêu dùng yên tâm mua sắm càng kích thích lưu thông hàng hóa trên địa bàn.
Nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập
Không dừng lại ở việc kiến tạo không gian phát triển, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương có nhiều hình thức hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm. Nổi bật là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng thương hiệu sản phẩm, mã số, mã vạch; triển khai đào tạo, hướng dẫn các thương nhân, các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng website riêng, bộ thương hiệu trực tuyến, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm (QR code), phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng và xúc tiến bán hàng trực tuyến trên các trang thương mại, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tiêu biểu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ thủ tục cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 3 sản phẩm: gạo làng Keo (Vũ Thư) gạo làng Giành, gạo nếp làng Giành (Quỳnh Phụ); cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 21 sản phẩm góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ nông sản thuận lợi ngay tại địa bàn tỉnh, trong nước và vươn ra xuất khẩu.
Nhờ tập trung phát triển thị trường trong nước mà những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và kinh tế thế giới biến động nhưng các chỉ số công nghiệp và thương mại của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 95.614 tỷ đồng, tăng 17%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 59.613 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2021. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 103.750 tỷ đồng, tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 69.212 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022.
Nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển bền vững thị trường nội địa, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược “Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tại tỉnh Thái Bình, ngành công thương tỉnh nhận định, trong bối cảnh xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, việc phát triển thị trường trong nước được địa phương tiếp tục chú trọng để trở thành cầu nối vững chắc, dẫn dắt cho sản xuất phát triển theo tín hiệu thị trường, giảm phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thực hiện có hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”; chú trọng kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối sản phẩm qua nền tảng số...
Thông qua công tác xúc tiến thương mại và hoạt động khuyến công, ngành công thương tỉnh sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng, quảng bá thương hiệu... đưa hàng hóa địa phương phát triển phổ biến trên thị trường nội địa.
Có thể bạn quan tâm