Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất 0% và nỗi lo của doanh nghiệp
Trao đổi với DĐDN, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vẫn còn tồn tại nhiều nỗi lo với doanh nghiệp.
>>>Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được đánh giá là đưa ra nhiều nội dung sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn và giải quyết nhiều vướng mắc như phạm vi đối tượng không chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế, và cũng có nội dung đề xuất mang tính đột phá như bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhiều dịch vụ xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn.
- Ông đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này?
Luật Thuế GTGT được thông qua năm 2008, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009 và đã được sửa đổi, bổ sung một số lần vào năm 2013, 2014, 2016. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, Luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT đã phát sinh một số hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của loại thuế này.
Qua thực tiễn hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ quy định thuế và hải quan, Deloitte nhận thấy quy định hiện hành đang tồn tại một số vướng mắc phổ biến nên được tháo gỡ, đặc biệt là chính sách thuế GTGT đối với khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và hoạt động xuất khẩu.
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này đề xuất khá nhiều nội dung sửa đổi sát với vướng mắc thực tiễn, tuy nhiên cũng khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng nếu những đề xuất sửa đổi hiện nay được Quốc hội thông qua và thực thi trong thời gian tới.
- Ông có thể nêu cụ thể hơn?
Tôi lấy ví dụ về đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% với dịch vụ xuất khẩu tại Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), mặc dù thực tiễn áp dụng thuế GTGT 0% cho dịch vụ xuất khẩu có thể còn nhiều vướng mắc, nhưng Deloitte Việt Nam cho rằng Quốc hội và Bộ Tài chính cần đánh giá tác động tổng thể và tham khảo kinh nghiệm và thông lệ quốc tế trước khi quyết định vấn đề này.
Dự thảo luật thuế GTGT sửa đổi đã giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu (hưởng thuế GTGT 0%) là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.
Việc giới hạn phạm vi nêu trên đồng thời cũng làm thay đổi chính sách quản lý thuế GTGT và hải quan đối với doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho nước ngoài (bao gồm trường hợp dịch vụ gắn với hàng hóa xuất khẩu) và cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất (DNCX) là khu phi thuế quan. Theo đó, thuế suất thuế GTGT cho các trường hợp này tăng từ 0% đối với dịch vụ xuất khẩu thành 5%/10% như dịch vụ kinh doanh thông thường.
Doanh nghiệp nội địa phát sinh thêm thuế GTGT phải nộp đối với hoạt động cung ứng dịch vụ ra nước ngoài và/hoặc cho DNCX, đồng thời DNCX phải ghi nhận thuế GTGT đầu vào phát sinh vào chi phí trong kỳ, làm tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh cho cả chuỗi cung ứng của Việt Nam vì sản phẩm cuối cùng của DNCX thường được xuất khẩu ra nước ngoài.
Với thực tiễn đã áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% cho dịch vụ xuất khẩu nhiều năm nay, việc thay đổi có thể cũng làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, và tác động trực tiếp đến chi phí và vận hành của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế còn đang dự đoán có nhiều khó khăn như hiện nay.
>>>Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
-Thực tiễn khi áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu các doanh nghiệp gặp khó thế nào? Và liệu còn vấn đề nào mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thay đổi hay không?
Luật thuế GTGT hiện hành và các văn bản hướng dẫn quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm: Có hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu; hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào các chứng từ nêu trên thì nhiều trường hợp cơ quan thuế cho rằng chưa đủ cơ sở để xác định hàng hóa đó có thực sự được xuất khẩu ra nước ngoài hay không. Thực tế, trong quá trình kiểm tra hoàn thuế GTGT phát sinh nhiều trường hợp gian lận như: khai khống hàng hóa xuất khẩu, người mua tại nước ngoài không có thật,… Nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm xác định hàng hóa có thực xuất khẩu ra nước ngoài thuộc về cơ quan hải quan, chứ không phải trách nhiệm của cơ quan thuế nội địa hoặc bên xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Luật thuế GTGT chưa có quy định rõ ràng về việc xác định dịch vụ xuất khẩu. Do dịch vụ có tính vô hình, nên rất khó xác định một số loại dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài, gây vướng mắc, tranh cãi cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc đánh giá, chứng minh dịch vụ như thế nào được xem là “tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam”.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng quan sát nhiều trường hợp doanh nghiệp đã xuất hóa đơn cung cấp dịch vụ cho khách hàng với thuế suất 0% (do xác định là tiêu dùng ngoài Việt Nam) sau đó lại bị cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế cho rằng đây là dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và thực hiện truy thu thuế GTGT 10%. Việc truy thu này gây khó khăn cho bên cung cấp dịch vụ do phải nộp thêm thuế mà không đòi được bên mua dịch vụ do hợp đồng đã ký và việc thanh toán đã kết thúc. Mặt khác, hiện nay đang phát triển nhiều dịch vụ cung ứng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với hàng hoá được gia công sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu nhưng thực tế không xác định được chính xác hàng hóa đó là tiêu dùng ở trong nước hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp dịch vụ, hoặc nếu xác định thì rất phức tạp, tăng chi phí quản lý như: dịch vụ phân loại hàng hóa, giám sát chất lượng hàng hóa để xuất khẩu, kinh doanh tài sản số, dịch vụ số,...
Từ góc độ quản lý, quy định hiện hành chưa thực sự cung cấp cơ sở cần thiết và phù hợp để thực hiện chính sách thuế GTGT với dịch vụ xuất khẩu (ví dụ: hồ sơ chứng từ, thời điểm áp dụng, v.v). Vì vậy, cơ quan thuế và doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình quản lý cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện áp dụng thuế GTGT 0%, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi thực hiện hoặc thêm nghĩa vụ chứng minh, giải trình, và trong một số trường hợp phát sinh thêm chi phí thuế, giảm sức cạnh tranh.
- Vậy các vấn đề này nên được giải quyết như thế nào thưa ông?
Vướng mắc hiện nay như tôi đã nêu ở trên cần xem xét thận trọng để điều chỉnh quy định phù hợp tại Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), đảm bảo hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, Deloitte cũng đã kiến nghị UBTVQH đánh giá kỹ tác động kinh tế của việc thu hẹp đối tượng dịch vụ được xác định là dịch vụ xuất khẩu như trên để đảm bảo chính sách thuế GTGT được sửa đổi một cách toàn diện nhưng không gây xáo trộn tình hình đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế-xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
11:25, 17/03/2024
Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Nghiên cứu cho phép tập đoàn kinh tế hạch toán tập trung
03:30, 03/03/2024
Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cần duy trì thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu
03:30, 02/03/2024
Sửa đổi Luật Thuế GTGT: Chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT
15:13, 16/01/2024