Giá vé máy bay nội địa cao: Đừng để “giá nổi, bèo chìm”

PHẠM TUẤN 23/03/2024 04:30

Ngồi cà phê cùng bạn bè, thấy mọi người nói chuyện về dự định du lịch mùa hè sắp tới với nhiều nỗi băn khoăn về giá vé máy bay.

>>Nghịch lý giá vé máy bay tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ

Hoá ra tình hình kinh tế khó khăn chung làm ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của mọi người. Từ người làm cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, kinh doanh tự do…, cho đến người làm công ăn lương đều bị ảnh hưởng.

Sau khi tính toán kỹ càng, họ rủ nhau đi du lịch nước ngoài để… tiết kiệm chi phí. Chuyện nghe tưởng chừng như nói đùa, nói ngược mà hoá ra là sự thật. Thực tế, giá vé máy bay nội địa tăng cao, đẩy chi phí du lịch trong nước tăng cao, cộng thêm chi phí dịch vụ ở các điểm du lịch nổi tiếng cũng không hề rẻ. Tính chi li, đi du lịch nước ngoài lại có chi phí rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn, kèm thêm trải nghiệm mới lạ, chưa kể cái tiếng đi du lịch nước ngoài vẫn “sang” hơn đi trong nước.

Thông thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cháy ghế, khan vé, thì giá vé máy bay sẽ từ từ giảm nhiệt, tạo đà kích cầu cho kỳ nghỉ 30/04 và 01/05. Thế nhưng năm 2024 này lại khác, giá trần vé máy bay tăng từ ngày 01/03 và không hề có dấu hiệu giảm do thiếu máy bay.

Vé máy bay nội địa hiện đang cao hơn một số đường bay quốc tế.

Vé máy bay nội địa đang cao hơn một số đường bay quốc tế.

Số hãng hàng không trên tỉ lệ bình quân đầu người của Việt Nam đang thấp hơn so với khu vực chứ chưa nói đến so ra thế giới. 100 triệu dân có có dăm ba hãng hàng không, với chủ lực là Vietnam Airline, còn Vietjet Air thì máy bay cũng ít. Hai hãng đầu tàu này lại đang đưa hàng loạt máy bay đi bảo dưỡng do vấn đề động cơ Pratt&Whitney sử dụng cho dòng máy bay Airbus thân hẹp A321 đảm nhiệm chính nhiều tuyến bay nội địa. Bamboo Airways thì trả 03 máy bay thuê, tái cấu trúc hãng bay nên dừng khai thác nhiều chặng  bay nội địa. Pacific Airlines cũng tình trạng tương tự dẫn đến số máy bay còn lại quá ít, không đủ quay vòng cho các chặng bay.

Sau đại dịch COVID-19, tưởng như nhu cầu đi lại du lịch sẽ tăng đột biến bù lại quãng thời gian đóng băng, nhưng khủng hoảng kinh tế làm cho nhiều dự báo trở nên không chính xác. Ngay vào dịp Tết Nguyên đán cao điểm của đi lại, hệ thống sân bay Việt Nam phục vụ khoảng 1,5 triệu hành khách tăng 11% so với năm ngoái  2023, nhưng tỉ lệ khách nội địa lại giảm đi đáng kể.

Hãng hàng không cũng không hề muốn tăng giá vé máy bay, nhưng giá nhiêu liệu tăng, lương phi công, tiếp viên tăng… trong khi giá vé lại bị áp giá trần, chi phí bảo dưỡng, thay thế vật tư thiết bị tiêu hao của máy bay phải mua bằng USD, trong khi tỉ giá USD lên cao, thuế phí bến bãi, dịch vụ mặt đất không giảm. “Trăm giá đổ đầu.. máy bay”, nên biết tăng giá là sẽ mất khách mà vẫn phải tăng do nhiều chặng khai thác không có lãi.

>>Du lịch chịu tác động ra sao khi tăng trần giá vé máy bay?

Câu hỏi đặt ra là cùng bay nội địa tại sao nước bạn như Thái Lan lại làm được, như ngày giá ngày 10/03/2024 chặng Hà Nội - Đà Nẵng bay 1 giờ 20 phút hãng Vietjet có giá 141 USD, mà từ Băng Cốc đến Phu kẹt của Thái Lan bay 1 giờ 30 phút lại chỉ có giá 84 USD, rẻ hơn tới 47 USD. Ngay cả nơi đắt đỏ như nước Úc chặng Melbourne – Sydney cũng bay 1 giờ 20 phút mà giá cũng chỉ 114 USD.

So thu nhập bình quân đầu người, giá vé nội địa đang quá đắt so với mức chi tiêu của người Việt Nam. Bạn tôi thường xuyên bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trước chỉ tầm 4,2 triệu đồng, nay may mới mua được vé 4,8 triệu đồng.

Ở Việt Nam, hãng hàng không kêu lỗ, chắc là lỗ thật mới phải tái cơ cấu, thu hẹp số lượng máy bay khai thác, đẩy khách hàng phải chịu mua vé giá cao. Với mức giá vé máy bay nội địa như hiện tại, người ta sẽ chọn đi nước ngoài, hay đổi tuyến du lịch để có thể tự lái xe cá nhân hay đi tàu hoả hoặc phương tiện khác.

Khách du lịch sụt giảm thì tại địa điểm du lịch sẽ giảm doanh thu từ dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí tất cả sẽ sụt giảm theo. Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, làm tăng số người thất nghiệp. “Nước nổi thì bèo nổi”, đằng này giá vé máy bay tăng như nước nổi mà mọi thứ lại phải chìm.

Giải pháp nào cho ngành hàng không có lãi, khách được mua giá rẻ?

Việc cắt giảm chi phí liên quan tới an toàn bay là việc bất khả thi, nhà nước tạm thời có giải pháp dùng áp giá trần vé máy bay, sẽ điều chỉnh giá khi có biến động. Thông tư 34/2023/TT-BGTVT quy định, từ 01/03/2024 giá trần vé máy bay nội địa là 4 triệu đồng. Việc này chỉ có hiệu quả nhất thời, bởi dòng khách chuyển tuyến du lịch, đi nước ngoài vẫn sẽ tăng lên, chảy máu ngoại tệ, nguồn lực trong nước làm sụt giảm doanh thu nhiều dịch vụ vệ tinh của du lịch trong nước.

Muốn có hiệu quả lâu dài thì phải mở cửa hàng không cho doanh nghiệp có năng lực tài chính, quản trị tham gia sân chơi. Cách quản trị hiệu quả của doanh nghiệp sẽ tiết giảm tối đa chi phí, tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng, giá vé cũng sẽ được cạnh tranh.

Bên cạnh đó, mở rộng nâng cấp hạ tầng sân bay, điều tiết giảm thuế, phí dịch vụ mặt đất, cắt giảm bộ phận gián tiếp. Mở trường lớp đào tạo phi công tại Việt Nam, đào tạo kỹ thuật viên, đôi ngũ bảo trì bảo dưỡng tại nội địa, nắm vững chủ động kỹ thuật thì chi phí nhân sự giảm bớt. Còn nếu không nghịch lý “giá nổi mà bèo chìm” sẽ còn tiếp diễn, thiệt thòi cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghịch lý giá vé máy bay tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ

    15:23, 18/03/2024

  • Du lịch chịu tác động ra sao khi tăng trần giá vé máy bay?

    02:30, 11/03/2024

  • Tour du lịch nội địa dịp 30/4-1/5 "lao đao" vì giá vé máy bay

    03:00, 07/03/2024

  • Tăng trần giá vé máy bay: Doanh nghiệp du lịch sẽ ảnh hưởng ra sao?

    03:00, 01/03/2024

  • Giá vé máy bay Tết vẫn “sốt xình xịch”

    02:05, 01/02/2024

PHẠM TUẤN