Cân nhắc thời gian gia hạn Thông tư 02/2023: Khó... “ló” cơ cấu lại nợ
Xem xét gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN dựa trên kiến nghị của nhiều NHTM và cũng là mong đợi của nhiều doanh nghiệp còn khó về khả năng thanh toán, trả nợ, tiếp cận vốn.
>>>Hơn 1,1 triệu khách hàng được cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất vay
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét và có thể gia hạn Thông tư 02/2023 TT-NHNN về cơ cấu lại nợ và không chuyển nhóm nợ ngay trong quý I năm nay.
Trước hết, cần thấy rằng vốn và khả năng thanh toán vẫn đã và đang là thách thức của không ít doanh nghiệp, dù rằng từ quý IV/2023 và trong 2 tháng vừa qua, nền kinh tế cũng như sản xuất kinh doanh đã có tín hiệu phục hồi ngày càng mạnh mẽ.
Một dữ liệu cho thấy khó khăn về vốn và khả năng thanh toán của các doanh nghiệp là thống kê doanh nghiệp nợ thuế đang tăng lên.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2023, tổng số tiền nợ thuế của người dân, doanh nghiệp trên cả nước gần 164.000 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2022. Kinh doanh xăng dầu, bất động sản, khoáng sản là những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn.
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp nợ thuế. Theo Tổng cục Thuế, có phần do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tài sản đều đã thế chấp ở ngân hàng nên khi thực hiện cưỡng chế thì chưa thu hồi được. Ngoài ra, một số người nộp thuế rời bỏ thị trường làm tăng tiền nợ thuế khó thu. Thêm vào đó, khó khăn chung của thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao. Cùng với đó, các khoản tiền thuế được gia hạn theo các Nghị định 2023 nhưng đã hết thời gian gia hạn, còn người nộp thuế gặp khó, chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước, cũng làm tăng nợ thuế…
Trong tình trạng mà ngành thuế còn phải vừa phân tích, tìm hướng gỡ khó, vừa đôn đốc thu với những nhóm nợ thuế có khả năng thu thì về phía doanh nghiệp vốn gặp khó về thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, việc được khoanh, giãn, không chuyển nhóm nợ… càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, việc nới lỏng thêm thời hạn thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN, sau ngày hết hiệu lực 30/6/2024, sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp và ngân hàng có thời gian cân đối, cơ cấu các nhóm nợ, hạn chế phát sinh thêm nợ xấu.
Tuy nhiên, nhìn trên toàn hệ thống, không phải ngân hàng nào cũng có dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN chiếm tỷ lệ cao. Điều này cũng không có nghĩa các ngân hàng này không hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định của NHNN mà rất có thể ngược lại, đó là những nhà băng đã có sàng lọc và đồng hành, tư vấn tín dụng đảm bảo chất lượng tín dụng ngay từ đầu vào khách hàng.
Do đó, qua thực hiện Thông tư 02/2023/NHNN và trước đó là các Thông tư về triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ (từ 2020 khi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng Covid-19 được cơ cấu lại nợ), rất cần cơ quan quản lý có sự rà soát và đánh giá đầy đủ về vấn đề thực hiện cho phép cơ cấu nợ, việc thực thi (nhiều hay ít, hiệu quả ra sao, vì sao…) tại các NHTM (ít nhất trong 17 NHTM lớn) để làm bài học và cơ sở cho về sau nếu cần triển khai áp dụng. Bởi lưu ý rằng việc kéo dài cơ cấu nợ, theo nhiều chuyên gia quốc tế, là bài học “riêng có” ở Việt Nam.
Đối với các NHTM, việc tự xem xét đánh giá cũng là cần thiết bởi đây là một bài toán giữa sàng lọc và phát triển mà các ngân hàng phải cân đối để vừa đảm bảo nghĩa vụ hỗ trợ khách hàng hiện tại, vừa giải phóng bớt áp lực an toàn tài chính trong nay mai.
Mặt khác, bản thân ngân hàng và doanh nghiệp, rất cần phối hợp áp dụng cơ chế kiểm soát để tránh trường hợp đối tượng được khoanh nợ giãn nợ vừa “tranh thủ” đầu tư, gửi tiền, hiện thực hóa lợi nhuận tài chính từ nguồn vốn được cơ cấu lại và ưu tiên tiếp cận mới.
Đến cuối năm 2023, tổng số tiền nợ thuế của người dân, doanh nghiệp trên cả nước gần 164.000 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2022.