Những yếu tố cân nhắc trong môi trường đầu tư, kinh doanh đầy biến động

DIỄM NGỌC 27/03/2024 05:04

Trong bất kỳ môi trường đầu tư kinh doanh nào, đều có các yếu tố chúng ta phải cân nhắc như kinh tế vĩ mô, chính sách, xu hướng thị trường, khả năng huy động nguồn lực, niềm tin và xác định mục tiêu.

>>Bước ngoặt chuyển đổi và cơ hội đón làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhìn nhận, năm nay, thế giới dù tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại nhưng có hai tín hiệu tích cực đáng chú ý, đó là lạm phát đã giảm nhanh chóng và các mức lãi suất trên toàn cầu bắt đầu hạ nhiệt.

Các trợ lực quan trọng cho thị trường đến từ các yếu tố như kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi, lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ

Các trợ lực quan trọng cho Việt Nam đến từ các yếu tố như kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi, lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ

Điều này mở ra một hướng lạc quan cho triển vọng kinh tế trong thời gian tới, đồng thời tạo cơ sở để hy vọng các chính sách tiền tệ có thể sớm được điều chỉnh nhẹ nhàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng đối mặt với những thách thức kinh tế hiện tại.

“Riêng Việt Nam, các trợ lực quan trọng cho thị trường đến từ các yếu tố như kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi, lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ, tỷ giá sẽ ổn định hơn; Nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì; Vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ; Thể chế được quan tâm hoàn thiện; Niềm tin phục hồi; Khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư kinh doanh dễ dàng hơn...”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong bất kỳ môi trường đầu tư kinh doanh nào, có ít nhất 6 yếu tố chúng ta phải cân nhắc. Cụ thể:

Thứ nhất, là phân tích kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, các nhà đầu tư ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc này, từ tăng trưởng GDP, lạm phát, đến tỷ giá hối đoái và dòng chảy của xuất nhập khẩu, mỗi chỉ số vĩ mô đều có ảnh hưởng sâu rộng đến quyết định đầu tư.

Sự hiểu biết sâu sắc về bức tranh kinh tế vĩ mô không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn trên phạm vi toàn cầu trở thành “chìa khóa” giúp các nhà đầu tư vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội.

Trong những năm gần đây, các biến động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao các chỉ số kinh tế. Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, các gói kích thích tài chính quy mô lớn và sự chuyển dịch trong mô hình tiêu dùng, đều đòi hỏi các nhà đầu tư phải thích nghi nhanh chóng với một thế giới đang thay đổi.

Hơn nữa, trong môi trường kinh doanh đầu tư, việc cân nhắc đến các yếu tố như quan hệ quốc tế và thương mại cũng vô cùng quan trọng. Các cuộc chiến thương mại, đơn cử như căng thẳng Mỹ - Trung có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và gây biến động lớn trên thị trường tài chính. Việc nắm bắt được những diễn biến này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn mở ra cơ hội đầu tư mới.

Thứ hai, là các chính sách cơ bản, gồm chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, cùng những chính sách khác về tiêu dùng, y tế, giáo dục, đều ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư và hoạt động kinh doanh.

Với chính sách tài khóa, thông qua việc điều chỉnh thuế và chi tiêu công, có khả năng kích thích hoặc làm chậm tăng trưởng kinh tế. Một chính sách tài khóa linh hoạt và phản ứng kịp thời với các biến động kinh tế sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Ngược lại, chính sách tài khóa thắt chặt có thể được áp dụng nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng cũng có thể làm giảm đầu tư và tiêu dùng.

Về chính sách tiền tệ, được thực thi bởi ngân hàng trung ương thông qua việc điều chỉnh lãi suất và cung tiền, cũng rất quan trọng trong việc hình thành môi trường kinh doanh. Một chính sách tiền tệ lỏng lẻo, với mục tiêu kích thích tăng trưởng, có thể làm tăng cung tiền và giảm lãi suất, từ đó thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nó có thể dẫn đến lạm phát. Mặt khác, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể hỗ trợ kiểm soát lạm phát nhưng cũng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, các chính sách liên quan đến tiêu dùng, y tế, giáo dục cũng góp phần giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và công nghệ cao.

>>Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể

Thứ ba, nhận diện triển vọng và xu hướng thị trường trong quá trình đầu tư. Với thế giới đang trên đà xanh hóa, số hóa, những xu hướng này đang là những từ khóa “hot”, phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu của xã hội và hình thành nên cơ hội đầu tư mới.

Phát triển nguồn lao động công nghệ cao giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy kinh tế số

Phát triển nguồn lao động công nghệ cao giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy kinh tế số

Xanh hóa, hay chuyển đổi xanh là một xu hướng không thể phủ nhận trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành những vấn đề cấp bách toàn cầu. Các doanh nghiệp, dự án tập trung vào năng lượng tái tạo, giảm thiểu carbon, phát triển kinh tế xanh đang thu hút sự chú ý và đầu tư lớn.

Tương tự với số hóa, nó làm thay đổi cách thức hoạt động của nhiều ngành công nghiệp, từ tài chính, y tế, giáo dục, đến sản xuất và bán lẻ. Sự bùng nổ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra cơ hội cho việc phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, cải thiện hiệu quả hoạt động và tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Đầu tư vào công nghệ số không chỉ là đầu tư vào tương lai mà còn giúp nhà đầu tư tiếp cận với những ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhận diện và đầu tư theo các xu hướng này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cái nhìn tinh tế về thị trường. Nhà đầu tư thành công là người có khả năng dự báo và điều chỉnh chiến lược đầu tư của mình để phản ánh không chỉ nhu cầu hiện tại mà còn cả những thay đổi trong tương lai.

Thứ tư, là niềm tin. Trong bất kỳ môi trường đầu tư, kinh doanh nào, niềm tin đều đóng vai trò then chốt đối với việc xây dựng, duy trì mối quan hệ giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường. Sự tin tưởng này dựa trên hiệu suất kinh tế, lợi nhuận và trên cả sự minh bạch, đạo đức kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực tài chính, niềm tin vào hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Sự mất niềm tin có thể dẫn đến việc rút vốn hàng loạt, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thứ năm, khả năng huy động nguồn lực, đặc biệt là vốn, nguồn nhân lực và công nghệ. Điều này không chỉ quyết định sự thành công của các dự án kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và khả năng phát triển dài hạn của các doanh nghiệp.

Một trong những thách thức lớn nhất mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt là khả năng huy động vốn, nhất là với các startup hay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự linh hoạt trong việc tìm kiếm và sử dụng các nguồn vốn khác nhau, từ vốn chủ sở hữu, vốn vay, đến vốn đầu tư mạo hiểm sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn và tăng trưởng của doanh nghiệp đó.

Đối với các nhà đầu tư, việc đánh giá khả năng huy động và sử dụng hiệu quả những nguồn lực này là một phần quan trọng trong quá trình đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cần phát triển chiến lược rõ ràng, bền vững để thu hút, quản lý và tối ưu hóa các nguồn lực này, từ đó đạt được mục tiêu phát triển kinh doanh, tạo ra giá trị cho cả khách hàng và cổ đông.

Thứ sáu, bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư đang ở đâu và muốn gì? Sự tự nhận thức về vị trí hiện tại cũng như mục tiêu trong tương lai là yếu tố cần lưu ý. Doanh nghiệp và nhà đầu tư phải đánh giá được môi trường kinh doanh hiện tại và các vị thế cạnh tranh để xác định cơ hội hay thách thức cho các quyết định của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư sản xuất thông minh

    12:33, 26/03/2024

  • Bước ngoặt chuyển đổi và cơ hội đón làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam

    11:20, 26/03/2024

  • Dẫn dòng vốn đầu tư FDI xanh

    02:00, 25/03/2024

  • Doanh nghiệp Australia lạc quan khi đầu tư vào ASEAN

    02:00, 26/03/2024

DIỄM NGỌC