Doanh nghiệp vẫn “khắc khoải” vốn và chính sách

NGUYỄN VIỆT 27/03/2024 02:00

Doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội nhưng thiếu tiền, còn chính sách lại chưa phù hợp nên không dám đầu tư và cũng không có khả năng đầu tư.

>>Hơn 100 tỷ USD đầu tư cho đường sắt, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ xin làm thầu phụ?

Ông Lưu Văn Đại, Giám đốc công ty Cổ phần Metal Heat Việt Nam (chuyên xử lý nhiệt các sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy và chi tiết máy) nêu ý kiến tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024”.

vấn đề “đau đầu” nhất mà hầu hết doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mắc phải là nhu cầu về vốn. Ảnh minh hoạ

Vấn đề đau đầu nhất mà hầu hết doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mắc phải là nhu cầu về vốn. Ảnh minh hoạ

Làm thế nào để tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn là một câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp cơ khí, trong đó có doanh nghiệp của ông Lưu Văn Đại đang đau đầu đi tìm lời giải.

Theo ông Lưu Văn Đại, để trả lời được câu hỏi “làm thế nào” đối với các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên 2 vấn đề lớn là vốn và chính sách.

Thứ nhất, vấn đề đau đầu nhất mà hầu hết doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mắc phải là nhu cầu về vốn. Bởi, sản phẩm muốn vào được chuỗi cung ứng phải đáp ứng ít nhất 2 tiêu chí, đó là chất lượng và giá thành. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa ra công nghệ tốt, tìm được phương thức sản xuất tốt để giảm chi phí sản xuất.

“Mặc dù Trung Quốc được ví như một "vương quốc giá rẻ", nhưng giá bán các sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị từ những công ty Nhật Bản cũng rất hợp lý. Điều này liên quan đến công nghệ rất nhiều”, ông Đại nói.

Ông Lưu Văn Đại đánh giá, công nghệ tiên tiến, tối ưu sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, từ đó sẽ giảm được giá thành sản phẩm.

“Tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới hay đi học công nghệ tiên tiến không phải chuyện khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Vốn mới là vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam”, ông Lưu Văn Đại bày tỏ.

Ông Lưu Văn Đại cho rằng, để đầu tư công nghệ mới cần rất nhiều tiền, một doanh nghiệp nhỏ thì rất khó đủ tiềm lực tài chính đầu tư những công nghệ này, những doanh nghiệp startup thì lại càng khó khăn hơn. Vốn tự có của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam rất khó đủ để đầu tư công nghệ mới. Vay vốn ngân hàng thì có rất nhiều rào cản, từ tài sản thế chấp đến lãi suất cao.

“Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và startup thì lấy đâu ra tài sản thế chấp? Và liệu có bao nhiêu doanh nghiệp muốn đầu tư công nghệ mới? Vì lãi suất cao thì giá bán cao, khi đó mất đi tính cạnh tranh”, ông Lưu Văn Đại bày tỏ.

Thực tế, đã có rất nhiều chính sách của Chính phủ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này rất tốt, rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. “Tuy nhiên, những chính sách hiện nay doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó, gặp nhiều rào cản. Để có được sự hỗ trợ vốn, doanh nghiệp phải giành rất nhiều thời gian để theo đuổi, gây tổn hại rất lớn đến cơ hội của doanh nghiệp”, ông Lưu Văn Đại nói.

>>Làm ăn với doanh nghiệp cơ khí Mỹ, đối tác Việt cần chú ý gì?

>>Điểm nghẽn của doanh nghiệp cơ khí

Thứ hai, vấn đề chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi thì phải có lãi, muốn vay ngân hàng hay tiếp cận vốn thì phải có hiệu quả kinh doanh tốt, nhưng có lãi thì phải đóng thuế thu nhập.

Do đó, ông Lưu Văn Đại đề nghị Nhà nước nghiên cứu thực hiện chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các doanh nghiệp cơ khí như miễn, giảm thuế, miễn giảm lãi suất vay vốn. Đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần phân công đầu mối giám sát các chuỗi sản xuất, thông báo cho doanh nghiệp các yêu cầu về lựa chọn nhà cung cấp linh kiện, sản xuất phụ trợ để các doanh nghệp nhỏ và vừa đăng ký tham gia chuỗi sản xuất. Để qua đó có cơ chế, biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này nâng cao năng lực đủ điều kiện tham gia chuỗi giá trị. Thành lập một nhóm, hoặc tổ chức kết nối doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và sản xuất phụ trợ trong nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Hơn 100 tỷ USD đầu tư cho đường sắt, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ xin làm thầu phụ?

    11:56, 20/12/2023

  • Làm ăn với doanh nghiệp cơ khí Mỹ, đối tác Việt cần chú ý gì?

    03:20, 15/09/2023

  • Điểm nghẽn của doanh nghiệp cơ khí

    02:00, 02/09/2023

NGUYỄN VIỆT