Quảng Ninh: Sớm công bố Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cô Tô là cảng lưỡng dụng
Cử tri tỉnh Quảng Ninh vừa đề nghị tỉnh sớm đẩy nhanh việc công bố cảng cá (Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ) là cảng lưỡng dụng.
>>>Tiềm năng phát triển du lịch chữa lành ở Cô Tô
Để tạo điều kiện cho các phương tiện chở khách, vận chuyển hàng hoá phục vụ nhân dân, cán bộ chiến sĩ và khách du lịch trên đảo cập cảng, góp phần đảm bảo ATGT tuyến biển trên đảo Cô Tô, Cử tri tỉnh Quảng Ninh đề nghị tỉnh sớm đẩy nhanh việc công bố cảng cá (Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ) là cảng lưỡng dụng.
Được biết, Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ (huyện Cô Tô) phục vụ nhu cầu cho ngư dân neo đậu tránh trú bão, cảng cá được đưa vào khai thác đã lâu, nhưng chưa được cấp phép đón trả khách và bốc xếp hàng hoá. Trong khi đó, hiện cảng Cô Tô đã quá tải, việc cập cảng của các phương tiện chở khách, hàng hoá gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, Cử tri đã đề nghị UBND tỉnh sớm đẩy nhanh việc công bố cảng cá (Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ) là cảng lưỡng dụng tạo điều kiện cho các phương tiện chở khách, vận chuyển hàng hoá phục vụ nhân dân, cán bộ chiến sĩ và khách du lịch trên đảo cập cảng, góp phần đảm bảo ATGT tuyến biển trên đảo Cô Tô.
Năm 2009, dự án Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ (giai đoạn I) tại huyện Cô Tô chính thức được khởi công với thời gian thực hiện 5 năm. Tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Biển Đông - Hải đảo, chương trình hỗ trợ mục tiêu đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, ngân sách tỉnh, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Năm 2012, giai đoạn I của dự án được hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên, mới chỉ đảm bảo cho hoạt động tránh, trú bão của tàu thuyền khai thác thuỷ hải sản.
Giai đoạn II của dự án triển khai từ cuối năm 2015, có tổng mức đầu tư trên 61 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của Trung ương. Dự án được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2017. Đây là nơi cập bến hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ninh và các tỉnh ven biển trong nước sau mỗi chuyến đi biển dài ngày.
Theo UBND Huyện Cô Tô: Hiện có hơn 80 phương tiện thủy vận tải hành khách, cùng hàng trăm phương tiện đánh bắt thủy sản, dịch vụ của người dân trong huyện và nhiều địa phương khác thường xuyên neo đậu tại 2 cảng, 5 bến trên địa bàn huyện.
Cũng theo UBND huyện Cô Tô: Trong Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Cô Tô đến năm 2025, huyện đảo xác định mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững vùng biển đảo, phát triển nhanh ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đảm bảo tính bền vững; phát triển mạnh và đa dạng các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp lữ hành, cảng tàu Cô Tô thường xuyên bị quá tải, nhất là trong những ngày hè, lượng khách du lịch đến địa phương tăng mạnh. Thêm vào đó, vào mùa gió Nam (từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm) việc cập cảng của các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đẩy nhanh tiến độ công bố cảng cá là cảng lưỡng dụng tạo điều kiện cho các phương tiện chở khách, vận chuyển hàng hoá phục vụ nhân dân và khách du lịch trên đảo cập cảng là rất cần thiết.
Về nội dung này, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, dự án Khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá tại đảo Cô Tô được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương năm 2021 và phê duyệt dự án đầu tư năm 2022 với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân cũng như tàu cá của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận neo đậu khi có bão, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của ngư dân. Như vậy, tính chất đầu tư của Bộ NN&PTNT và định hướng phát triển Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thì Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ là cảng cá Cô Tô loại II.
Về “phân loại cảng cá” và “mở đóng cảng cá” được quy định cụ thể tại Điều 78, 79 Luật Thuỷ sản và thành phần hồ sơ đề nghị được quy định tại Điều 61, Nghị định số 26 của Chính phủ. Hiện nay, huyện Cô Tô đã giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích quản lý vận hành, khai thác Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ và được huyện công bố tạm thời là cảng cá loại III.
Do đó, huyện chỉ đạo Ban Quản lý dịch vụ công ích tiếp tục rà soát, đối chiếu Điều 78 Luật Thuỷ sản hiện hành để xác định cảng cá, thực hiện đầu tư các hạng mục còn thiếu, chuẩn bị hồ sơ đề nghị công bố mở cảng cá theo Điều 61, Nghị định số 26 của Chính phủ gửi cơ quan có thẩm quyền công bố mở cảng cá theo quy định.
Có thể bạn quan tâm