Chùa Hồ Thiên - Cảnh tiên nơi hạ giới
Tôi có duyên đến thăm chùa Hồ Thiên như một cơ duyên trong một ngày xuân ấm áp, khi lịch trình của ngày nghỉ cuối tuần thay đổi do cuộc hẹn với người bạn bị huỷ bỏ.
Ngày xuân đâu đó thi thoảng lất phất mưa bụi bay bay với vài cơn gió dịu nhẹ, như câu quan họ giao duyên trên đường du xuân thảnh thơi cùng rừng núi.
Hồ Thiên nằm trên cung đường từ khu danh thắng Yên Tử nổi tiếng đi xuyên từ Uông Bí sang khu di tích Ngoạ Vân thuộc huyện Đông Triều, chạy song song với quốc lộ 18 về hướng Hà Nội.
Khác hẳn với ồn ào tấp nập xe cộ, trên đường 18 - cung đường này như đưa ta lạc về miền Tây Bắc khi chạy xuyên qua thung lũng xanh tươi, mây trắng lững lờ ven sườn núi xa xa, lúc thì chạy qua con dốc quanh co với màu xanh mát mắt. Có đoạn chạy xuyên qua thôn xóm hiền hoà với mấy đứa trẻ tha thẩn chơi bên hiên cửa, có con chó với ánh mắt nhìn vô tư nằm đầu gác lên chân nhìn về phía vườn nhà.
Khung cảnh thanh sạch yên bình và có phần tĩnh lặng, đường vắng xe nên chỉ bon bon chốc lát là đến với bãi đỗ xe to rộng có lối lên chùa. Cánh cổng chùa uy nghi nằm hướng ra cả khoảng không rộng lớn cho tới ngọn núi trước mặt, bậc lên xuống bằng đá xanh dẫn thẳng đến con đường lát đá sạch sẽ dẫn lối lên chùa.
Bên phải là bãi đá với nhiều hòn đá có hình dáng rất lạ, cùng những cây cổ thụ lâu năm. Phía tay trái là vườn nhãn như những cái lều du mục màu xanh sat sát nhau úp trên khoảng vườn rộng rãi. Qua chiếc cầu có suối nước róc rách chảy bên dưới với nhiều loài hoa rừng có sắc trắng, sắc hồng là tới bậc leo lên chùa.
Lần đầu thăm chùa Hồ Thiên, đều ngạc nhiên nhất là theo các bậc đá dẫn lối lên chùa là lối đi xuyên qua rừng được bảo tồn rất tốt, thảm thực vật phong phú và đa dạng. Có thể chưa nổi tiếng nên khách viếng chùa thưa vắng lắm, cả cung đường gần hai cây số mà chẳng gặp mấy người. Không hề có cảnh đông đúc, chen chúc mà chỉ có tiếng chim rừng ríu rít, líu lo hoà tiếng róc rách của suối cùng hương rừng thơm dìu dịu.
Tương truyền chùa Hồ Thiên được Pháp Loa - vị thiền sư nổi tiếng của thiền phái Trúc Lâm xây dựng từ năm 1327, là nơi dành cho những cao tăng xuất sắc tu tập. Không có hồ trên chùa, mà tên “Hồ” được hiểu là nơi hội tụ lại cảnh đẹp của đất trời.
Tới đời vua Lê Trung Hưng, chùa được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn có chùa chính, nhà tăng, nhà tổ, vườn tháp, nhà bia, trở thành ngôi chùa to đẹp trên núi Phật Sơn có độ cao 580 mét. Chùa tựa lưng vào núi Phật Sơn hai bên có núi như tay ngai, phía trước cũng có núi thành thế rồng cuộn, hổ chầu, “tả thanh long, hữu bạch hổ”, “trước có án, sau có chẩm” thành địa thế tuyệt đẹp cho danh lam cổ tự Hồ Thiên. Nhờ địa thế này mà chùa và rừng không bị bão gió tàn phá, tạo thành thảm thực vật nhiều tầng, nhiều lớp với đa dạng loại cây.
Con đường lên chùa ngày xưa còn bùn lầy, đất sỏi, giờ được lát đá sạch đẹp, chắn chắn, nhưng vẫn có vẻ nguyên sơ nhờ lá rụng đầy. Bên rừng cây, bên rừng trúc, nhìn sâu xuống dưới là dòng suối trong veo chảy tí tách đêm ngày, khung cảnh hoang sơ yên bình như vùng cổ tích.
Có tảng đá lớn y như chiếc mai cua khổng lồ xanh rêu nằm ngay suối núi, trông xa lại như thỏi vàng nén màu xanh ai bỏ quên giữa rừng già.
>>Mai Châu: Xin hãy giữ gìn nét xinh thung lũng
Qua quãng này là khói sương mịt mù bao phủ, cảnh vật trở nên huyền bí sau màn sương trăng trắng thâm u. Vườn hoa loa kèn đỏ rực lên màu mới dưới tán những cây mai vàng Yên Tử xoà năm cánh vàng tươi. Vào ngày đẹp trời, đứng nơi vườn bia này có thể gặp cả biển mây trắng bồng bềnh trôi ngang tầm mắt.
Rẽ ngang sang chùa chính, chợt bắt gặp mùi mộc hương thoang thoảng lẫn cùng mùi hương bưởi nồng nàn từ cây bưởi cổ thụ ngay trước sân chùa. Từng chùm hoa trắng đan khít vào nhau, cánh trắng mập mạp, khoẻ mạnh, nhuỵ hoa vàng tươi mặc cho lũ chim bay nhảy, đậu vào lên xuống vẫn không bị rụng rơi.
Qua bao nhiêu năm vật đổi sao dời, chùa xưa vẫn còn dấu tích nền cũ, còn chùa mới được xây dựng khang trang với bảo tháp, vườn tháp mà vẫn giữ được lối kiến trúc và hình dáng chùa xưa. Tiếng chuông âm vang làm nền cho tiếng chuông gió leng keng trong khung cảnh huyền ảo mây mù, xung quanh là cây hoa với núi rừng hùng vĩ, làm nơi đây thoáng chốc như chốn tiên cảnh chốn trần gian.
Cùng với quần thể 14 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần - Triều đại cường thịnh bậc nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam với ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông, chùa Hồ Thiên đang hồi sinh sẽ trở thành điểm nhấn cho chuyến hành hương về nơi “địa linh nhân kiệt” Đông Triều.
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm vàng cho du lịch tàu biển tại Việt Nam
02:30, 27/03/2024
TP.HCM: Nâng cao chất lượng sân bay Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch
18:42, 26/03/2024
Du lịch quốc tế, người Việt chọn thanh toán theo phương thức nào?
16:05, 26/03/2024
Hình thành trung tâm du lịch quốc tế tại Quảng Nam
15:18, 26/03/2024
Định vị thương hiệu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Vân Đồn
15:03, 25/03/2024