Tạo điều kiện cho kiều bào mua bất động sản
Với các điểm mới được pháp luật quy định của kiều bào trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản đã được mở rộng hơn tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư bất động sản trong nước.
>>Kiều hối đổ vào bất động sản
Chiều 26/3, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mới được Quốc hội khóa XV thông qua.
Quy định cụ thể, rõ ràng
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng đã giới thiệu các điểm mới trong nội dung Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), có liên quan trực tiếp đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
>>Thu hút kiều hối vào bất động sản
Với các quy định mới này, quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam) đã được quy định cụ thể, rõ ràng và theo hướng mở rộng hơn.
Phát biểu tại các điểm cầu, bà con kiều bào đánh giá cao việc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo và thẩm tra các luật đã phổ biến các nội dung mới. Các luật này đã tiếp thu, ghi nhận và phản ánh nhiều nguyện vọng, ý kiến đóng góp của bà con trong quá trình xây dựng luật vào nội dung các luật.
Nhiều kiều bào khẳng định, với các điểm mới được quy định trong các luật này, quyền của người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản đã được mở rộng hơn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với bà con. Kiều bào cũng hy vọng rằng, các văn bản hướng dẫn sẽ tiếp tục quy định chi tiết những nội dung này để tạo điều kiện cho bà con đầu tư mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực nhà ở và bất động sản ở trong nước.
Nhiều tháo gỡ được vướng mắc
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, điểm mới tại Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) là đưa đối tượng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng nhóm với đối tượng cá nhân công dân Việt Nam. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ về đất đai sẽ ngang bằng với công dân trong nước.
Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, bên cạnh việc vẫn tiếp tục được hưởng các quyền về đất đai, nhà ở thuận lợi hơn người nước ngoài (như được sở hữu không hạn chế số lượng nhà ở gắn với quyền sử đất ở, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tại các dự án phát triển nhà ở để tạo dựng nhà ở), Luật Đất đai 2024 đã quy định mới cho phép người gốc Việt Nam được nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất ở.
Qua những quy định nêu trên được cho sẽ giúp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc tại Luật Đất đai 2013 trước đây, trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở không có công trình nhà ở và thừa kế quyền sử dụng đất ở của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Qua đó, họ cũng được hưởng các quyền đối với nhà ở, quyền kinh doanh bất động sản như công dân trong nước, được quy định tại Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Liên quan đến vấn đề này, theo các chuyên gia, việc mở rộng quyền sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, trong đó quy định về nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia vào giao dịch bất động sản trong nước…tránh được bất cập như trước đây khi muốn sử dụng đất trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng, đã không ít tranh chấp phát sinh từ việc nhờ người đứng tên nhận chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai này.
Ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng cho biết, có khoảng 600 - 700 nghìn doanh nhân với trí thức trình độ cao, trong đó nhiều người (đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên) có mong muốn trở về quê hương để sinh sống, đầu tư kinh doanh và gắn bó với đất nước. Do đó, nhu cầu sở hữu căn nhà ở quê hương để quay về hoặc ở lại làm việc, kinh doanh của người Việt kiều là vô cùng lớn.
Về những thay đổi của Luật mới, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá rằng sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản Việt Kiều.
“Thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths nói.
Có thể bạn quan tâm