Lạm phát, tỷ giá và biến động địa chính trị - Lưu ý rủi ro nào?
Năm 2024, những rủi ro về lạm phát, tỷ giá (nội tại) và biến động địa chính trị (bên ngoài) được xem là 3 yếu tố mà nhà đầu tư sẽ cần theo dõi, quan tâm để có hành động phù hợp trên TTCK.
>>>Tỷ giá có đáng lo?
Đây là một trong những nhận định được các chuyên gia của CTCK VPBank (VPBankS) đặt ra tại buổi hội thảo có chủ đề “Chọn danh mục - Đón sóng lớn” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS Research, cho biết tăng trưởng GDP của Việt Nam được VPBankS dự báo sẽ đạt từ 5,8-6,3%, khá tương đồng với các dự báo của các tổ chức quốc tế và trong ngưỡng chỉ tiêu của Quốc hội giao 6-6,6,4%.
Động lực để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như dự báo, đến từ tăng trưởng các lĩnh vực bán lẻ, đầu tư công phục hồi và sự phục hồi của sản xuất - xuất khẩu.
Trong đó, xu hướng lãi suất thấp, chi phí vốn thấp là điều kiện hỗ trợ cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng bán lẻ, tiêu dùng nội địa.
Sự phục hồi của hoạt động sản xuất thể hiện qua các chỉ số ở 2 tháng đầu năm với chỉ số PMI tiếp tục trên 50 điểm, đơn hàng đang tăng tốt trở lại ở những thị trường lớn. Có thể nói là hoạt động xuất nhập khẩu đã tạo đáy trong năm 2023 và đang được lũy kế tăng trưởng từ năm nay. Điều này cũng đang và sẽ đóng góp cho thặng dư thương mại lên cao kỷ lục.
>>>Kinh tế Việt Nam 2024: Tỷ giá khó biến động, lãi vay cần giảm sâu
Bên cạnh đó là dòng vốn FDI đăng kí lẫn giải ngân tích cực, thể hiện xu hướng dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đang tiếp tục hướng về Việt Nam, các bạn hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… tiếp tục hướng dòng vốn đầu tư đến Việt Nam là yếu tố tác động tích cực đến kinh tế.
Đối với đầu tư công, năm 2023, Việt Nam đã giải ngân hơn 600 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 90%. Kế hoạch giải ngân năm 2024 là hơn 650 nghìn tỷ, mục tiêu đạt giải ngân hơn 95% tiếp tục là động lực phục hồi của kinh tế và giúp vốn đầu tư tư nhân có đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Sơn, có 2 vấn đề cần lưu ý trên diễn biến kinh tế những tháng đầu năm.
Thứ nhất là giá nhà ở, vật liệu xây dựng, hàng hóa, thực phẩm, giáo dục… trong rổ tính CPI đang tăng. Đây là thách thức trong năm nay khi lạm phát có chiều hướng tăng.
Thứ hai, tỷ giá có biến động và lãi suất liên ngân hàng biến động. Khi tỷ giá biến động quá 3%, theo thống kê của VPBankS, sẽ tác động ngược chiều thị trường chứng khoán (TTCK) và gây áp lực bán của NĐT trên TTCK, ông Sơn nói.
Bổ sung cho 2 yếu tố cần lưu ý, ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu VPBankS - cho rằng, yếu tố biến động địa chính trị, chẳng hạn như năm 2023 là căng thẳng Biển Đỏ, vẫn là yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý, bên cạnh lạm phát và tỷ giá.
Đồng thuận về các động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2024, ông Dương cho rằng Chính phủ đang triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tài chính, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước. Những chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục được kéo dài trong cả năm nay vì chỉ có như vậy mới có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mục tiêu.
“Xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư (NĐT) và luồng hàng hóa năm 2023 cho thấy đã bắt đầu có sự phục hồi. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn có những biến động khó lường, do đó cần theo dõi nội tại như tỷ giá, biến động địa chính trị với ảnh hưởng không tích cực như với giá vận tải, logistic, giá năng lượng… nhưng đây là những rủi ro mang tính ngắn hạn.
Đối với yếu tố rủi ro lạm phát, lưu ý là không rơi vào thực phẩm mà các thành tố như nhà ở, vât liệu xây dựng, chi phí vận tải… do đó rất cần quản trị rủi ro”, ông Dương nhấn mạnh.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, lạm phát và tỷ giá có thể là yếu tố rủi ro ngắn hạn, song nếu xảy ra những biến động địa chính trị hoặc có sự biến động khó lường mới, thì đây là rủi ro khiến các mục tiêu tăng trưởng khó đạt được. Nguyên do là tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn chậm, một số nền kinh tế lớn vẫn còn lạm phát cao; Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại, thậm chí là giảm phát trong những tháng đầu năm 2024.
Dù vậy, ông Sơn lạc quan với các chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tăng bơm tiền, hạ tỷ lệ dự trữ..., qua đó tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được hỗ trợ để dù giảm tốc nhưng tốc độ giảm chậm lại và giảm tác động chung. "Kinh tế toàn cầu nếu không có biến động lớn ngoài dự báo, có thể "hạ cánh mềm" như kỳ vọng".
Có thể bạn quan tâm