Kỳ vọng lạm phát dưới mục tiêu 4%
Các diễn biến trên thị trường quốc tế và trong nước gần đây không tác động lớn đến kỳ vọng lạm phát năm 2024 ở Việt Nam.
>>> Lạm phát, tỷ giá và biến động địa chính trị - Lưu ý rủi ro nào?
Lãi suất bình quân liên ngân hàng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái hút ròng qua tín phiếu đợt đầu tiên trong năm 2024, tuần 11-15/3. Theo đó, từ chỗ lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (0,77%), 1 tuần (1%), 2 tuần (1,47%)... đều rất thấp trước khi NHNN phát hành tín phiếu (vào 8/3), đến ngày 14/3, đã tăng lần lượt lên 1,21%; 1,45%; và 1,74%...
Biến động ngắn hạn
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng được kỳ vọng giúp giảm lãi suất chênh lệch giữa đồng VND và USD, theo đó sẽ giúp hạ nhiệt tỷ giá. Trước đó, tỷ giá đã tăng mạnh, đặc biệt ở thị trường “chợ đen” thậm chí có thời điểm ghi nhận vượt 26.000VND/USD. Nguyên do chủ yếu từ nhu cầu ngoại tệ đầu năm tăng khi các doanh nghiệp tăng nhập khẩu chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất kinh doanh trong khi lượng ngoại tệ cam kết bán hoàn trả sẽ nằm ở đơn hàng sắp tới; đặc biệt cộng hưởng là giá vàng, giá bitcoin tăng đột biến xuyên ngưỡng kỷ lục.
Ngoài ra, bi quan căng thẳng Biển Đỏ với sự manh động của lực lượng Houthi trên tuyến “đường tơ lụa” vận chuyển hàng hóa qua biển khiến giá dầu có lo ngại tăng lên bất chấp nguồn cung ổn định; cũng như lo ngại biến động giá hàng hóa tương lai… đã tác động ngược vào tỷ giá.
Bên cạnh đó, lạm phát vẫn còn nóng theo các dữ liệu kinh tế tháng 2 của Mỹ và sự chưa rõ ràng về thời điểm cắt giảm lãi suất Fed khiến kỳ vọng tỷ giá cũng tăng lên. Nhưng động thái can thiệp của NHNN được đánh giá là “bốc thuốc” đúng lúc, đúng thời điểm. Và lãi suất liên ngân hàng tăng đi cùng tỷ giá thực tế đã hạ xuống, là kết quả.
Chính sách tiền tệ không đổi
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc CTCK Maybank Investment Bank, việc phát hành tín phiếu của NHNN không phải là dấu hiệu cho thay đổi chính sách tiền tệ. Bởi thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào và biến động lãi suất thị trường liên ngân hàng có ít tác động đến lãi suất thị trường. Chúng tôi cho rằng các áp lực này sẽ sớm hạ nhiệt.
Tuy nhiên, phân tích về những yếu tố có thể làm yếu đồng USD trong thời gian tới, ông cho rằng thị trường Fed Funds tương lai đang phản ánh đợt cắt lãi suất đầu tiên 25 bps trong tháng 6/2024, với dụ phóng của Fed “dot plot” sẽ cho tổng mức cắt lãi suất là 75 bps trong cả năm 2024. Bên cạnh đó, tác động tới chuỗi cung ứng của giao tranh Israel – Hamas sẽ ở mức vừa phải. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu trong nước tăng cho thấy nền kinh tế đang tăng tốc dần.
“Xuất khẩu dần hồi phục và sự hồi phục kinh tế, thặng dư cán cân vãng lai sẽ là các yếu tố dẫn dắt đồng VND hồi phục so với USD trong năm nay. Do đó, chúng tôi cho rằng tỷ giá sẽ nằm trong tầm kiểm soát trong năm nay và NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ tăng trưởng”, ông Lâm khẳng định.
>>>Tiếp tục rút bớt tiền lưu thông, hướng đến giảm lạm phát
Kỳ vọng dưới mục tiêu
Theo kết quả cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát tháng 3/2024 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) tại Việt Nam do NHNN công bố, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thể hiện kỳ vọng CPI tháng 3 so với tháng 2 tăng 0,5%; bình quân năm 2024 so với bình quân 2023 tăng 3,74% và bình quân năm 2024 so với bình quân năm 2024 tăng 3,6%. Như vậy các TCTD và các chi nhánh NHNNg đang tin tưởng vào việc kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu đã được Quốc hội quyết định (4-4,5%) trong năm nay.
Tương tự, kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế trong Quý I/2024 cũng cho thấy niềm tin vào lạm phát thấp của 2024. Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng Bình quân chỉ số lạm phát năm 2024 so với bình quân năm 2023 tăng 3,72%, và năm 2025 so với 2023 tăng 3,65%; năm 2026 so với 2025 tăng 3,64%. Các kết quả đều thể hiện kỳ vọng việc kiểm soát lạm phát tích cực trong năm nay.
Chia sẻ về kinh tế vĩ mô 2024, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, chúng ta có nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu gia tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Đây là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp nắm bắt thời cơ phục hồi và tăng trưởng.
Ở góc độ ngân hàng, ông Jang Young Jin - Giám đốc bộ phận Nguồn vốn và Giao dịch toàn cầu, Ngân hàng Shinhan Việt Nam - cũng cho biết, dữ liệu 2 tháng đầu năm cho thấy lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh là do các yếu tố liên quan đến dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện, tăng cao cùng việc tăng giá nhiều mặt hàng đầu vào đã góp phần vào sự gia tăng này.
“Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến yếu tố mùa vụ sẽ được giải quyết, và việc ổn định giá cả vẫn đang tiếp tục diễn trên toàn cầu, Chính phủ cũng đang nỗ lực bình ổn giá nên giá cả tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định.
Hơn nữa, việc NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt và duy trì sự ổn định của VND là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm tránh gây áp lực về giá cho các doanh nghiệp nhập khẩu và ảnh hưởng đến lạm phát trong nước. Vì vậy, chúng tôi dự báo lạm phát trung bình cho cả năm 2024 sẽ duy trì ở mức khoảng 4%, nằm trong mục tiêu đề ra”, ông Jang Young Jin khẳng định.
Có thể bạn quan tâm