Công ty tài chính sẽ hưởng lợi?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc siết hồ sơ tín dụng theo Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/NHNN có thể sẽ giúp các công ty tài chính hưởng lợi.
Hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng bằng tiền mặt trong thời gian qua đã được các các công ty tài chính cổ phần chuyên cho vay tiêu dùng siết lại đáng kể.
Nguyên do là thu nhập của người vay kém dẫn đến khả năng trả nợ kém; việc bùng nợ theo hội nhóm và việc thu hồi cũng trở nên khó khăn do các quy định chế tài chưa hoàn toàn phù hợp.
Tuy vậy, thực tế vẫn đang có nhiều công ty triển khai cho vay tiền mặt, đây là nguồn doanh số cho vay đáng kể.
Chẳng hạn FE CREDIT cho vay tiền mặt hạn mức lên đến 70 triệu, duyệt giải ngân nhanh chóng, thủ tục đơn giản, không cần tín chấp.
>>>Giải pháp thúc đẩy cho vay tiêu dùng trong năm 2024
HOME CREDIT - Công ty tài chính tiêu dùng vừa được The Siam Commercial Bank Public Company (SCB), thành viên của SCBX Public Company (SCBX) mua lại - cũng đang là nhà cho vay tiền mặt nhanh, theo như tư vấn website là “chỉ trong 3 phút” với các khoản vay từ 10- 200 triệu đồng…
Đối với HD SAISON, công ty tài chính được hợp nhất kết quả kinh doanh vào HDBANK, có đối tác chiến lược lớn Nhật Bản CREDIT SAISON, thì khẩu vị cho vay và quản trị thận trọng khiến họ đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tiêu dùng, nhưng khá hạn chế với tiền mặt. Tuy nhiên, HD SAISON cũng cung cấp cho vay tiền mặt hạn mức cao nhất 30 triệu đồng, không quá lớn và do đó, Cty này cũng đang đi về tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nhóm tài chính tiêu dùng…
Trong khi đó, chuyên về thẻ, hạn mức Thẻ vay tín dụng nội dụng VIETCREDIT của Cty Tín Việt có thể cấp từ vài triệu cho đến cả trăm triệu đồng, khách hàng có thể vay - trả liên tục trong hạn mức được cấp…
Nhìn chung, đối với khoản vay dưới 100 triệu tiền mặt, trả vào tài khoản hay qua thẻ… từ trước đến nay vẫn được nhiều định chế xem là “Khoản vay nhỏ” và là “trận địa” ưa thích của các Công ty tài chính, hơn là các ngân hàng. Các ngân hàng, trừ nhà băng có chiến lược cho vay tiêu dùng qua hệ sinh thái hay nhóm nhỏ chuyên đo ni đóng giày tín dụng khoản nhỏ theo yêu cầu của doanh nghiệp siêu nhỏ, chấp nhận chi phí thẩm định cao, mất công và tốn thời gian… , còn lại đa phần đều sẽ chuộng khoản vay trị giá lớn, ưu tiên khách hàng “Priority”, nhóm “Premium”, đặc biệt với ngân hàng có thị phần tín dụng lớn sẽ càng ưa chuộng nhóm khách hàng CIB (DN lớn), hơn là nhóm vay trên dưới 100 triệu đồng/ khoản vay.
Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - Chuyên gia Tài chính, với quy định trong dự thảo Thông tư 39 vừa được NHNN đưa ra, nhìn chung, người vay cá nhân với khoản vay từ 100 triệu, một khi bị ràng buộc về cung cấp thông tin người liên quan tương tự như khi đi vay công ty tài chính, thì họ sẽ nghiêng về chọn vay tại Công ty tài chính hơn. Yêu cầu hay thủ tục là như nhau, song thực tế công ty tài chính duyệt hồ sơ đơn giản, tốc độ giải ngân có thể nói là cần tiền có ngay. Đổi lại, đây cũng là lí do khiến lãi suất vay tiêu dùng cao hơn, nợ xấu khối này cũng cao hơn so với ngân hàng.
“Thực tế cũng cho thấy rất nhiều doanh nghiệp SME, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh thường xuyên có nhu cầu vốn lưu động từ dưới 100 hoặc trên 100 triệu đồng nhưng không tới vài trăm, và dưới nửa tỷ đồng… thì do ngại thủ tục ngân hàng, không đủ điều kiện tiếp cận vay tín chấp…, đều chấp nhận vay hội, nhóm, lãi suất cao song vòng quay tiền nhanh, vay xong trả gọn. Các khoản vay này vì vậy có thể nói chất lượng tín dụng khá tốt, đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Một số NH cũng đã linh hoạt tiến tới khai thác “tệp” khách hàng như vậy rất hiệu quả những năm qua như ACB hay STB, song nếu các quy định đặt ra rào cản thì bản thân các NH cũng sẽ gặp khó triển khai các sản phẩm dịch vụ”, chuyên gia nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Cần có trần lãi suất vay tiêu dùng và sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng
11:27, 30/11/2023
Giải pháp thúc đẩy cho vay tiêu dùng trong năm 2024
05:08, 02/01/2024
Vay tiêu dùng sẽ sớm phục hồi
03:50, 16/03/2024
Nhiều TCTD cắt giảm cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu phát sinh
16:04, 16/11/2023