PBoC thận trọng trong giao dịch trái phiếu chính phủ

DIỄM NGỌC 01/04/2024 05:25

Mặc dù được yêu cầu tăng dần việc mua - bán trái phiếu chính phủ, nhưng PBoC dự kiến sẽ có cách tiếp cận thận trọng nhằm giảm thiểu những hậu quả bất ngờ đối với lạm phát và tỷ giá.

>>PBoC và chính sách hỗ trợ kinh tế có chọn lọc

Tại hội nghị công tác tài chính được tổ chức vào tháng 10/2023, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tăng dần việc mua - bán trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp - một chiến thuật đã không được sử dụng trong hơn hai năm qua.

Trong 5 tháng kể từ chỉ thị của Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hồ sơ công khai cho thấy PBoC vẫn chưa bắt đầu mua trái phiếu kho bạc trong các hoạt động thị trường mở. Ảnh: Bloomberg

Hiện PBoC vẫn chưa bắt đầu mua trái phiếu kho bạc trong các hoạt động thị trường mở. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, PBoC có thể tiếp cận thận trọng nhằm giảm thiểu những hậu quả bất ngờ đối với lạm phát và tỷ giá hối đoái. Theo hồ sơ công khai cho thấy, đến nay PBoC vẫn chưa bắt đầu mua trái phiếu kho bạc trong các hoạt động thị trường mở.

Hiện có nhiều phỏng đoán xuất hiện vào thời điểm các nhà quan sát đang đặt câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay hay không, đồng thời thúc đẩy niềm tin của khu vực tư nhân đang trì trệ, giải quyết khủng hoảng trên thị trường bất động sản và xử lý gánh nặng nợ khổng lồ của chính quyền địa phương ra sao?

Theo SCMP đưa tin, bà Wang Tao - Người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á và nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Đầu tư UBS - cho biết trong một báo cáo công bố ngày 28/3 rằng: “Thực tế, yêu cầu của ông Tập Cận Bình không nhất thiết hàm ý là Trung Quốc sẽ bước vào chu kỳ nới lỏng định lượng (QE) theo cách tương tự như các ngân hàng trung ương phương Tây. Lập trường chính sách vĩ mô của Trung Quốc vào năm 2024 vẫn là hỗ trợ nhưng có quy mô khiêm tốn”.

Cũng trong một báo cáo mới đây, Huatai Securities cho rằng, các hành động của Chính phủ đòi hỏi nguồn cung tiền phải chính xác và hợp lý. Do đó, việc ngân hàng trung ương tiếp tục giao dịch trái phiếu kho bạc sẽ phải thận trọng hơn và có tính đến kỳ vọng về lạm phát cùng tác động đến tỷ giá hối đoái.

Có thể thấy, Trung Quốc đã phải đối mặt với dòng vốn chảy ra đáng kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất dần dần. Xu hướng này cũng gây áp lực lên tỷ giá của đồng tiền Nhân dân tệ với đồng đô la Mỹ và xu hướng này càng trở nên phức tạp hơn do lo ngại về đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Việc ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ không tương đương với QE. Đặc biệt là khi PBoC vẫn còn dư địa cho các hoạt động chính sách tiền tệ thông thường, việc nới lỏng định lượng còn lâu mới có thể áp dụng được”, chuyên gia tại Huatai Securities nhận xét.

>>3 yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu Chính phủ

Bắc Kinh đã kiềm chế không bơm thanh khoản tràn ngập thị trường để tránh những tác dụng phụ mà trong những năm 2009 - 2010 đã từng xảy ra, chẳng hạn như tình trạng dư thừa công suất công nghiệp. Hiện nước này đang tìm kiếm các lĩnh vực đổi mới và công nghệ cao để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như giữ cho nền kinh tế đi theo quỹ đạo tích cực.

Theo bảng cân đối kế toán của PBoC vào cuối tháng 2, lượng trái phiếu chính phủ trung ương nắm giữ ở mức 1.520 tỷ Nhân dân tệ (210,2 tỷ USD), chiếm 3,4% tổng tài sản của ngân hàng trung ương.

Tỷ lệ đó thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nắm giữ tương đương của các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn, như 61% ở Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, 78% ở Ngân hàng trung ương Nhật Bản và 58% ở Ngân hàng trung ương Châu Âu. Ba tổ chức này đã thường xuyên sử dụng chính sách QE trong các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, thúc đẩy bảng cân đối kế toán bằng cách mua trái phiếu dài hạn, hoặc chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp để giữ lãi suất ở mức thấp hoặc âm và duy trì nhu cầu tín dụng.

Trước đó, các quan chức PBoC đã nhiều lần tuyên bố rằng, công cụ chính sách của ngân hàng này đủ sâu và hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, họ đã gợi ý về việc cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng - tỷ lệ tiền gửi mà các ngân hàng phải giữ để có đủ khả năng giải phóng vốn từ bên trong hệ thống ngân hàng.

Theo một công ty phân tích tài chính, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và Nhật Bản thường bắt đầu mua trái phiếu kho bạc quy mô lớn dưới áp lực kinh tế vĩ mô rõ ràng và không có khả năng cắt giảm lãi suất.

Điều này ngụ ý rằng, hành động đó có thể dẫn đến “sự phụ thuộc” đối với các ngân hàng trung ương, khiến họ khó có thể thay đổi hướng đi một khi phương pháp này được thực hiện. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, với tình hình hiện tại thì chưa đến mức để ngân hàng trung ương Trung Quốc mua trái phiếu kho bạc ở quy mô lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Báo động hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thế giới

    03:30, 30/03/2024

  • Xe điện Trung Quốc và chiến lược đánh bại đối thủ

    04:00, 29/03/2024

  • Nhà đầu tư Trung Quốc chọn Việt Nam làm “điểm đến”

    03:30, 31/03/2024

  • Ứng phó “làn sóng thép” Trung Quốc

    02:00, 31/03/2024

DIỄM NGỌC