Nên quy định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội

GIA NGUYỄN 01/04/2024 03:40

Để có thể xử lý đúng, trúng đối với từng hành vi vi phạm về chậm, trốn đóng BHXH, góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, cần có các quy định cụ thể, rõ ràng.

>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ khái niệm trốn đóng BHXH bắt buộc

Theo đó, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của luật hiện hành, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã chỉnh lý quy định làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Đặc biệt, Dự thảo cũng quy định cụ thể các biện pháp xử lý vi phạm đối với việc chậm đóng BHXH bắt buộc.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định về hành vi chậm, trốn đóng BHXH - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định về hành vi chậm, trốn đóng BHXH - Ảnh minh họa: ITN

Có thể kể đến như, người sử dụng lao động phải đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH chậm đóng vào quỹ BHXH; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người có hành vi chậm đóng bảo hiểm còn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm về trốn đóng BHXH bắt buộc, cùng với việc bị áp dụng biện pháp tương tự đối với hành vi chậm đóng như trên, thì người vi phạm còn bị áp dụng chế tài mạnh hơn đó là bị “truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật”…

Mặc dù đánh giá cao những đề xuất được đưa vào Dự thảo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, thế nhưng, một số ý kiến cũng cho rằng, để có chế tài xử lý đúng và trúng với từng hành vi vi phạm, cần quy định rõ khái niệm, chế tài cụ thể của từng hành vi.

>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc lại việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu

Tuy nhiên, để có thể xử lý đúng, trúng từng hành vi vi phạm cần có quy định cụ thể, rõ ràng - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, để có thể xử lý đúng, trúng từng hành vi vi phạm cần có quy định cụ thể, rõ ràng - Ảnh minh họa: ITN

Liên quan đến vấn đề này, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, tại Điều 37 Dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc thì đóng chậm hay trốn đóng thì đều xử lý vi phạm như nhau. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu sẽ được xem là trốn đóng BHXH.

Theo đại biểu này, cách xử lý như vậy chưa phù hợp với thực tiễn và thêm phần rắc rối khi phân biệt khái niệm “chậm - trốn”, cũng như chế tài cho vi phạm “chậm” vi phạm “trốn”. Vì vậy, chỉ cần quy định khái niệm chậm đóng bảo hiểm, với các mức như chậm lần 1 là bao lâu, lần 2, lần 3 là bao lâu… đồng thời, quy định chế tài hành chính, kinh tế… để xử lý vi phạm chậm đóng BHXH theo từng lần.

Đối với hành vi trốn đóng BHXH, theo đại biểu Khải, nên được xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung trong Luật Hình sự (như tội trốn thuế) và có chế tài hình sự riêng. Như vậy, mới xử lý đúng, trúng và nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm đóng trong trách nhiệm đóng BHXH.

Đồng quan điểm đã nêu, xoay quanh vấn đề này, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, cần thiết nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm sửa đổi, và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Từ đó, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức.

Theo đó, cần thực hiện theo hướng quy định rõ các trường hợp chậm đóng như, quá thời hạn quy định của Luật mà người sử dụng lao động không đóng, hoặc không đóng đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đã đăng ký...

Trường hợp trốn đóng như, không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thấp hơn quy định; trường hợp chuyển hóa từ chậm đóng sang trốn đóng... Ngoài ra, cũng cần bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý hành vi này.

Thực tế cho thấy, mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là chậm đóng, trốn đóng BHXH, thế nhưng, trong các quy định của luật lại không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng BHXH và hành vi trốn đóng BHXH. Chính điều này đã dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự.

Được biết, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024).

GIA NGUYỄN