Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động tài trợ thương mại
Trước những “rào cản” hạn chế gia tăng tài trợ thương mại cho doanh nghiệp tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động này.
>> SHB tham gia Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu của IFC với hạn mức 75 triệu USD
Thực tế cho thấy, tài trợ thương mại là hoạt động cung cấp vốn lưu động cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu để giúp giảm thiểu các rủi ro thanh toán vốn có trong các giao dịch quốc tế. Do đó, việc mở rộng tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp được đánh giá là rất quan trọng, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường giao thương quốc tế, giúp nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại với chi phí hợp lý có thể giúp kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm tương ứng 6% và 9%. Điều này đồng nghĩa với việc tổng giá trị thương mại hàng hóa có thể tăng thêm tới hơn 55 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam hiện còn khá nhiều “rào cản” hạn chế gia tăng tài trợ thương mại cho doanh nghiệp.
Báo cáo chung của IFC và WTO cho thấy, tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam không những chưa phổ biến mà tỷ lệ còn rất thấp. Năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá 731 tỷ USD của cả nước. Đặc biệt, các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia thương mại trong khu vực hơn là các công ty đa quốc gia lớn tham gia thương mại toàn cầu. Trong khi đó, nhiều công ty con của các công ty đa quốc gia trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao và giá trị lớn như điện tử, may mặc lại ít phụ thuộc hơn vào tài trợ thương mại.
>>SHB là Ngân hàng Micro SME tốt nhất Việt Nam
Ngoài ra, còn tồn tại nhiều lý do khiến tài trợ thương mại chưa được “mặn mà” kể cả từ phía người vay và người cho vay. Theo đó, trong năm 2022, các ngân hàng Việt Nam từ chối trung bình 12% số yêu cầu tài trợ thương mại, chủ yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tương đương với khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu chưa được đáp ứng.
Nguyên nhân chủ yếu được cho là do thiếu tài sản thế chấp và rủi ro tín dụng cao. Bên cạnh đó, hoạt động tài trợ thương mại của các ngân hàng mới chủ yếu xoay quanh các công cụ truyền thống, các công cụ phi truyền thống như tài trợ theo chuỗi cung ứng và dựa trên các dịch vụ số hóa chưa được sử dụng nhiều, đồng thời cũng là yếu tố khiến tài trợ thương mại trong nước chưa được như kỳ vọng.
Trước thực trạng nêu trên, để thúc đẩy tài trợ thương mại, theo các chuyên gia, cần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm giải quyết những rào cản, hạn chế còn tồn tại.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định, Việt Nam cần phát triển các công cụ mới như tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp.
“Để làm được điều này, cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa, các điều kiện của ngân hàng trung ương và khung trách nhiệm giải trình. Báo cáo cũng đề xuất nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà cung cấp trong nước về cách thức tiếp cận tài trợ thương mại”, ông Thomas Jacobs nhận định.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, cho rằng còn nhiều hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện cho hoạt động tài trợ thương mại. Vì vậy, Nhà nước cần sớm hoàn thiện hàng lang pháp lý cho hoạt động này theo hướng khuyến khích các ngân hàng, tô chức tín dụng cung ứng nhiều hơn các sản phẩm tín dụng mà các nước tiên tiến đang áp dụng để thúc đẩy tài trợ thương mại phát triển hơn nữa.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, ngành Ngân hàng không phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ và vừa mà đều mong muốn cho vay, mở rộng tệp khách hàng của mình. Tuy nhiên, vấn đề là không ít các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của các ngân hàng khiến rủi ro tín dụng cao, các ngân hàng e dè trong việc cung cấp các khoản tài trợ thương mại.
“Để cải thiện tình trạng này, các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng đáp ứng điều kiện của các tổ chức tín dụng bằng việc nâng cao tính minh bạch về báo cáo tài chính, quản trị…, từ đó tạo niềm tin cho các ngân hàng trong hoạt động cho vay”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.
Bên cạnh đó, cũng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động tài trợ thương mại. Ông Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn, đồng thời mong chờ sớm ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn luật này để tạo điều kiện cho hoạt động tài trợ thương mại phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
SHB tham gia Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu của IFC với hạn mức 75 triệu USD
16:00, 29/09/2023
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 75 triệu USD
16:52, 06/04/2023
Tài trợ thương mại xuyên biên giới trên nền tảng số
04:00, 14/03/2023
OCB ưu đãi đến 100% phí tài trợ thương mại dành cho doanh nghiệp
09:22, 24/02/2022
BIDV giảm 50% phí giao dịch tài trợ thương mại và chuyển tiền quốc tế trên iBank
11:50, 09/01/2022