Giá nhà ở đã qua vùng đáy?
Giá nhà ở tại TP.HCM và Hà Nội đã chứng kiến đà tăng kể từ giai đoạn cuối năm 2023 cho thấy niềm tin người mua nhà đang dần phục hồi nhờ các bộ Luật được thông qua.
>>Luật Đất đai có hiệu lực sớm nửa năm: Giải bài toán cung cầu nhà ở
Dựa trên dữ liệu mới công bố của Savills Việt Nam cho thấy, giá nhà tại Hà Nội đã có sự tăng trưởng.
Giá nhà ở cải thiện
Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, chỉ số giá bất động sản nhà ở quý 4/2023 đã tăng 3% so với quý 3. Đáng chú ý, đây đã là mức tăng 30% kể từ khi chạm đáy vào quý 3/2019. Tại thời điểm khảo sát, mức giá trung bình của các sản phẩm nhà ở đạt mức 41 triệu đồng/m2.
>>Yếu tố vĩ mô hỗ trợ thị trường bất động sản
Mặc dù mức tăng giá không có sự đột biến, tuy nhiên so với quý 3/2023, tỷ lệ hấp thụ trên thị trường nhà ở Hà Nội trong quý cuối của năm 2023 đã tăng đáng kể, khoảng 15%. Điều này cho thấy tâm lý người mua nhà đã được cải thiện và nhiều giao dịch đã được thực hiện hơn trong những tháng cuối năm.
Theo Savills, nguồn cung mới chiếm 43% thị phần doanh số và tỷ lệ hấp thụ đạt 46%. Trong đó, bất động sản tại các đại đô thị ở ngoại thành chiếm 61% doanh số bán, phản ánh nhu cầu tiếp tục tăng đối với các khu vực ngoại thành.
Tại TP.HCM, chỉ số giá bất động sản nhà ở cũng tăng 2% theo quý. Tuy nhiên, mức giá tại đây có phần ổn định hơn so với Hà Nội, cụ thể giá thị trường thứ cấp ổn định ở hầu hết các quận, trong khi chỉ tăng ở 4 quận. Tuy nhiên giá bán thứ cấp đã ghi nhận mức giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá thị trường sơ cấp đã trở về cùng mức với năm 2020, khoảng 69 triệu đồng/m2 diện tích thuần.
Trong quý 4/2023, tỷ lệ hấp thụ của thị trường bất động sản nhà ở đã cải thiện 14% theo quý và 23% theo năm. Sự cải thiện này đến từ sản phẩm mới có giá bán hợp lý khoảng 3 - 4 tỷ đồng/căn, kèm với pháp lý hoàn thiện trước khi ra mắt và kế hoạch thanh toán dài hạn.
Khôi phục niềm tin
Số liệu của Savills cho thấy, thị trường bất động sản tại Hà Nội đã ghi nhận sự phục hồi mạnh về tỷ lệ hấp thụ so với các quý trước đó của năm 2023. Theo các chuyên gia, trong khi nguồn cung nhà ở hạn chế, nhu cầu cao đã giúp giao dịch bất động sản trở nên sôi động hơn. Cùng với đó, sự phát triển của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông cũng là một động lực hỗ trợ đà tăng giá của bất động sản.
Savills cho biết, tỷ lệ hấp thụ nhà ở đã “chạm đáy” vào quý 3/2023 trong giai đoạn 2019 tới nay. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, chỉ số này đã nhảy vọt từ 10 lên 25 điểm %, phản ánh mức độ hấp thụ các sản phẩm tăng vọt.
Tương tự, chỉ số giá và tỷ lệ hấp thụ tại TP.HCM cũng gia tăng sau giai đoạn trầm lắng tại quý 2 và 3/2023. Trong đó, nguồn cung mới chiếm 78% tổng số căn bán theo quý với tỷ lệ hấp thụ lên tới 84%. Con số cao đáng kể này phản ánh nhu cầu lớn của người mua nhà đối với các sản phẩm bất động sản.
Các chuyên gia cho rằng, việc Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 được thông qua đã góp phần lớn trong việc khôi phục niềm tin của người mua nhà.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS đánh giá, thời gian qua, việc Quốc hội thông qua ba dự án Luật quan trọng là Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc tác động tích cực tới phát triển thị trường địa ốc.
Những điều khoản chặt chẽ của các bộ Luật sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản. Đặc biệt hơn, tạo nên sự minh bạch, công bằng và cơ hội cho nhà đầu tư thật, chủ đầu tư có đầy đủ năng lực.
Có thể bạn quan tâm
Những thay đổi tích cực từ Luật Kinh doanh bất động sản 2023
05:00, 29/03/2024
"Xanh hóa” bất động sản công nghiệp
03:00, 29/03/2024
Tạo điều kiện cho kiều bào mua bất động sản
09:10, 27/03/2024
Yếu tố vĩ mô hỗ trợ thị trường bất động sản
04:00, 27/03/2024
Cuộc "giải cứu" bất động sản đặc biệt chưa từng có
11:15, 22/03/2024