Ngành vật liệu xây dựng vẫn chưa có điểm sáng
Trên thực tế đối với hoạt động của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
>>>“Gỡ khó” cho doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế đất nước nói chung trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất điều hành, điều kiện cho vay…
Thua lỗ đáng báo động
Trên thực tế đối với hoạt động của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp nối sự ảm đạm trong suốt năm 2023. Đây là hệ lụy của đại dịch cho tới những bất ổn địa chính trị trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động giá nguyên vật liệu… trong suốt 3 năm vừa qua.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, phần lớn các mặt hàng VLXD đều ghi nhận mức suy giảm so với năm 2022 về cả sản lượng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng xi măng sản xuất năm 2023 ước đạt 89,4 triệu tấn, giảm 5,45%; lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6%; trong đó, tiêu dùng nội địa giảm 10% và xuất khẩu gần như đi ngang.
Cùng với đó, sản lượng gạch ốp lát sản xuất đạt 386,5 triệu m2, giảm 15%; sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m2, giảm 25%. Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm 25% so với năm 2022. Vật liệu kính xây dựng sản xuất đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2% so với năm 2022.
Trong đó, cả doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều giảm trong năm 2023. Về doanh thu, có đến 46,9% số doanh nghiệp có tổng doanh thu giảm dưới 25,0%, đặc biệt tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu giảm sâu trên 25% lên tới 31,6%.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp lại có gam màu tối hơn nữa khi tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức giảm lớn hơn 25,0% tiếp tục gia tăng, trong khi tỷ lệ này của các năm trước cũng đáng báo động. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ đã tăng 23,8% so với năm 2022.
>>>Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng “kêu cứu”
Khó khăn tiếp diễn được nhấn mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp VLXD đã đối mặt trong năm 2023 vẫn còn hiện diện, mức độ có thay đổi nhưng vẫn là những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Đầu tiên, tình trạng hạn chế tài chính của người mua do kinh tế tăng trưởng chậm ghi nhận mức tăng 14,6% so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 dừng lại ở mức 5,05%, cùng với triển vọng về mức độ phục hồi trong năm 2024 không quá mạnh mẽ cho thấy tổng cầu của nền kinh tế chưa có nhiều cải thiện, hoạt động chi trả cho bất động sản và VLXD giảm rõ rệt
Đối với thị trường xi măng, các nhà máy đã đầu tư có công suất 117 triệu tấn/năm và có thể sản xuất trên 130 triệu tấn/năm. Trong khi tổng lượng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm chưa tới 50,0% công suất thiết kế; nếu tính chung cả lượng xuất khẩu, tổng lượng tiêu thụ mới chỉ dừng lại ở mức 75,0%.
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, lượng tiêu thụ xi măng tại các quốc gia giai đoạn tăng trưởng nhanh ở mức 1.000 kg/người/năm. Thậm chí, Trung Quốc cũng duy trì nhu cầu xi măng trong một giai đoạn dài khoảng 1.600-1.700 kg/người/năm và hiện nay cũng khoảng 1.200-1.300 kg/người/năm. Số liệu trên cho thấy, lượng tiêu thụ xi măng nội địa đang mức rất thấp đối với quốc gia 100 triệu dân. Lượng dư cung sẽ đẩy áp lực lớn đến kênh xuất khẩu nếu tiêu thụ trong nước chưa thể tăng nhanh trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, thuế xuất khẩu clinker đã tăng từ 5% lên 10% từ ngày 01/01/2023. Thực tế cho thấy, clinker được sản xuất bằng công nghệ cao, qua nhiều công đoạn với chi phí đầu tư lớn, việc coi xuất khẩu clinker là xuất khẩu nguyên liệu thô cũng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xi măng tại thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh dư cung hiện tại.
Dù không thoát khỏi tình cảnh chung là sản lượng sản xuất sụt giảm, nhưng lượng sản xuất lại thấp hơn lượng tiêu thụ trong nước, tức cung đang thấp hơn cầu. Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 80 triệu tấn thép nhưng nhập khẩu lên tới 133 triệu tấn, nếu quy ra giá trị, con số thâm hụt cán cân sẽ còn cao hơn nữa. Bởi lẽ, lượng lớn sản phẩm thép nhập khẩu về Việt Nam là thép chế tạo, có giá thành và hàm lượng giá trị cao hơn. Thị trường thép Việt Nam đang bỏ ngỏ một phân khúc vô cùng quan trọng, không chỉ liên quan đến sản xuất VLXD mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành công nghiệp tiêu thụ lượng thép lớn như sản xuất ô tô.
Cùng với thuế xuất khẩu áp với một số mặt hàng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường ngặt nghèo tại các thị trường phát triển sẽ trở thành rào cản, khó khăn lớn hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu VLXD của Việt Nam.
Doanh nghiệp vẫn khó khăn tiếp cận vốn vay
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế đất nước nói chung trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, ngân hàng trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất điều hành, điều kiện cho vay…, các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Tuy nhiên trên thực tế đối với hoạt động của ngành VLXD vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Như đã phân tích ở trên, khó khăn lớn nhất đối với ngành VLXD hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm giảm, nếu doanh nghiệp cứ sản xuất để sản phẩm tồn kho thì doanh nghiệp sẽ đi đến phá sản, do đó có “hạ lãi suất, mở rộng điều kiện cho vay” thì doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Hơn nữa, theo chia sẻ của một số chuyên gia trong ngành với Vietnam Report, chính sách đã được Chính phủ ban hành chưa thật sự đi vào cuộc sống, một số doanh nghiệp cần vay vốn vẫn không tiếp cận được vì không được thế chấp bằng sản phẩm được hình thành từ nguồn vốn vay là sản phẩm vật liệu xây dựng.
Mặc dù “lực đẩy” lớn cho thị trường VLXD đến từ những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Bởi từ những tháng cuối năm 2023, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị. Với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như các đường vành đai, cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường.
Tuy nhiên, nhu cầu VLXD từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung VLXD và có thể dư hơn nữa nếu các doanh nghiệp hoạt động tối đa công suất thiết kế. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp cũng cần mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Những tín hiệu phục hồi cho thị trường VLXD còn khá mờ nhạt. Trước hết là sự phụ thuộc của ngành VLXD vào bất động sản còn quá lớn, trong khi ngành bất động sản vẫn còn khó khăn và phục hồi ở mức độ chậm, chưa thể trở thành cú hích cho thị trường VLXD lội ngược dòng trong ngắn hạn. Chỉ khi nào bước qua giai đoạn khó khăn của chu kỳ kinh tế, các điểm nghẽn trên thị trường được tháo gỡ, nguồn cung bất động sản tăng trở lại hứa hẹn là thời kỳ phát triển mạnh mẽ và ổn định của ngành VLXD.
Đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những tín hiệu tích cực về ổn định chính trị, môi trường đầu tư tốt, cũng như các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI kỳ vọng sẽ tiếp tục được đổ về, tạo đà bứt phá cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, kể cả khi dòng vốn này thành hiện thực, thì hoạt động triển khai các dự án cũng phải đến giữa năm sau mới sôi động. Cũng có nghĩa là, trong ngắn hạn, có rất ít tác động đến thị trường VLXD.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư tháo gỡ khó khăn, sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản và từ đó đưa thị trường VLXD bật tăng trở lại.
Xanh hóa ngành vật liệu xây dựng
Theo kế hoạch, xanh hóa ngành VLXD sẽ là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp phải lựa chọn nhằm hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường. Các ngành tiêu biểu của lĩnh vực VLXD như xi măng, thép, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch ốp lát đều tiêu thụ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong quá trình sản xuất.
Thời gian qua khi giá năng lượng như than đá, điện, khí đốt đều tăng cao, yếu tố chi phí này đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhận thực tốt hơn về phát triển bền vững, thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất – như sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, hydro, điện – và sẽ được mở rộng sang các ngành khác theo lộ trình. Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có bốn nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của bốn mặt hàng xuất khẩu này. Thực hiện cơ chế CBAM, trong dài hạn, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các doanh nghiệp Việt có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.
Ngay từ bây giờ để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh. Thách thức lớn nhất hiện nay đó là Việt Nam chưa có khung hành lang pháp lý về xây dựng cơ chế định giá carbon rõ ràng nên doanh nghiệp sản xuất khó xác định phải trả thuế, phí bao nhiêu trên mỗi tấn khí CO2.
Mặc dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để doanh nghiệp có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều khi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025. Vì thế, các doanh nghiệp không nên chờ đợi đến khi EU bắt đầu áp dụng, mới gấp rút ứng phó mà ngay từ bây giờ nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh; cần đưa ra lộ trình cụ thể, huy động và tìm kiếm nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu của CBAM.
Kỳ vọng lạc quan tăng trưởng trong tương lai
Trong bối cảnh thị trường VLXD tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, xây dựng uy tín doanh nghiệp và công tác truyền thông trở nên vô cùng quan trọng để tạo dựng lại hình ảnh và niềm tin trong mắt khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, dẫn đầu là Hòa Phát, Vicostone, Viglacera, Tiền Phong và Hoa Sen. Đây là những doanh nghiệp trụ cột của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) đã và đang nỗ lực hết mình đạt nhiều thành tựu trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với khó khăn chồng khó khăn từ sự suy giảm nguồn cung.
Trong đó, chủ đề tài chính, kết quả kinh doanh duy trì tỷ trọng thông tin nhiều nhất trong hai năm qua. Những khó khăn trên thị trường, thiếu hụt dòng tiền, kết quả kinh doanh giảm sút đóng góp đáng kể thông tin cho nhóm chủ đề này. Sự góp mặt của các ông lớn trên thị trường chứng khoán trong các ngành thép, xi măng, gạch ốp lát, tiếp tục duy trì nhóm chủ đề Cổ phiếu/ Thị trường chứng khoán trong ở vị trí thứ hai.
Nhìn chung, ngành VLXD nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị Bất động sản – Xây dựng – VLXD, sẽ khó có cú hích cho sự tăng trưởng trong năm 2024 khi những vướng mắc thị trường bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ hoàn hoàn. Dẫu vậy, ngành VLXD vẫn có những điểm sáng đến từ đầu tư công, thu hút dòng vốn FDI, sự nhận thức về môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng tăng, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường phát triển… sẽ đặt ra kỳ vọng lạc quan cho ngành trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng tín dụng ngành bất động sản và xây dựng, vật liệu xây dựng năm 2024
11:50, 08/02/2024
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nỗ lực vượt khó
00:43, 15/01/2024
Triển vọng ngành xi măng năm 2024
00:30, 15/02/2024
Các doanh nghiệp xây dựng được kỳ vọng "khởi sắc từ chính sách bất động sản"
18:29, 30/03/2024