Hải quan Đắk Lắk đẩy mạnh thu ngân sách, phòng chống tiêu cực
Trong thời gian qua, Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk đã chủ động các phương án đẩy mạnh thu ngân sách, đồng thời phòng chống tiêu cực ngay trong nội bộ đơn vị.
>>"Cánh tay nối dài" giữa doanh nghiệp và hải quan
Thông tin từ Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 03 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, trong đó các Chi cục thực hiện giải quyết thủ tục hải quan đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) theo địa bàn. Cụ thể, Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột phụ trách địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Chi cục hải quan cửa khẩu Bu P'răng phụ trách địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm 2 cửa khẩu quốc gia là Đắk Peur và Bu P’răng và Chi cục Hải quan Đà Lạt phụ trách địa bàn tỉnh Lâm Đồng có Cảng Hàng không Liên Khương phát sinh các chuyến bay quốc tế không thường lệ.
Theo Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua tại một số thời điểm Hệ thống khai báo hải quan bị quá tải, dẫn đến tình trạng thời gian đăng ký tờ khai của doanh nghiệp bị kéo dài. Từ đó, các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục cũng tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp như giải quyết thủ tục hải quan ngoài giờ hành chính, bố trí công chức thường xuyên hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp trong khắc phục lỗi trong khai báo.
Tại số liệu, kim ngạch XNK tại Đắk Lắk đạt 2 tỉ USD trong năm 2023, Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk cũng đã thu số thuế nộp ngân sách Nhà nước khoản 630 tỉ đồng. Trong quý I/2024, đã có 203 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan, tăng 20 doanh nghiệp (10,93%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tại Đắk Lắk có 34 doanh nghiệp, Đắk Nông 18 doanh nghiệp và Lâm Đồng 151 doanh nghiệp.
Cũng tại quý I, Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện 4.456 tờ khai, tổng kim ngạch XNK phát sinh 494,8 triệu USD (trong đó có 0,2 triệu USD kim ngạch biên giới). Cụ thể, địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt 237,4 triệu USD, tỉnh Đắk Nông đạt 60,3 triệu USD và tỉnh Lâm Đồng đạt 197,05 triệu USD.
Theo ghi nhận, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là Alumin, ván công nghiệp, năng lượng điện, cà phê, cao su, mật ong, hồ tiêu, sản phẩm gỗ, hàng dệt may, đá bazan, hoa tươi các loại, nông sản các loại. Đối với nhập khẩu chủ yếu là các máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ phục vụ thi công dự án, nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, cao su tự nhiên, cây giống, củ giống, hàng dệt may, xơ sợi các loại,…
Về kiểm soát tải trọng, ông Hồ Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đắk Lắk cho hay đơn vị đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan đã thông báo đến các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá về việc kiểm soát phương tiện vận tải quá tải, quá khổ giới hạn vận chuyển hàng hoá chịu sự giám sát hải quan. Cụ thể, các Chi cục không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế và vượt quá kích thước giới hạn của xe được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký xe, vượt quá khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
“Khi làm thủ tục cho hàng vận chuyển đi, Chi cục chỉ thực hiện niêm phong, kẹp chì, xác nhận hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan đối với container hàng vận chuyển chịu sự giám sát hải quan đáp ứng điều kiện về niêm phong, giám sát hải quan, không bị rách vỡ, thủng, cơi nới, hàn gắn, gia tăng thêm kích cỡ, tay khoá, chốt phải có lỗ gắn được seal của cơ quan hải quan,... Trong năm 2023, đơn vị chỉ xử lý 28 vụ vi phạm tại trọng, ban hành 29 Quyết định xử phạt với số tiền phạt là 549,2 triệu đồng”, ông Dũng thông tin.
Cũng theo ông Dũng, với đặc thù địa bàn hoạt động của Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk nằm sâu trong nội địa, không có cảng biển. Tại tỉnh Đắk Nông có 2 cửa khẩu là Bu P’răng (Quảng Trực - Tuy Đức) và Đắk Peur (Thuận An - Đắk Mil), tỉnh Đắk Lắk có cửa khẩu Đắk Ruê (Ea Bung - Ea Súp) đã được nâng cấp lên cửa khẩu quốc gia từ tháng 3/2007 đến nay chưa đi vào hoạt động, tỉnh Lâm Đồng có sân bay Liên Khương đã được cơ quan chức năng cho phép giải quyết các chuyến bay quốc tế từ năm 2016.
Hiện nay, lượng phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh qua lại cửa khẩu Bu P’răng không nhiều, chủ yếu là cư dân biên giới, các đoàn công tác của 2 bên. Tại cửa khẩu Đắk Peur khách qua lại chủ yếu để đánh bài, đá gà tại điểm đối diện cửa khẩu. Còn lại tại sân bay Liên Khương chủ yếu là khách du lịch.
Kết quả, trong năm 2023 đơn vị đã phát hiện bắt giữ 02 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cụ thể, bắt giữ 05 cây thuốc lá điếu (50 bao), nhãn hiệu HERO; gỗ 04 khúc, tổng khối lượng 0,029 m3.
“Kết quả trong nhiều năm, đơn vị không có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật về các hành vi tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà sách nhiễu. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ trong đó xác định mục tiêu phòng ngừa là chính và xử lý nghiêm nếu có vi phạm”, ông Dũng nói.
Ở góc độ Chi cục, ông Lê Văn Trung - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Buôn Mê Thuột thông tin ước tính số thuế nộp ngân sách Nhà nước trong quý I/2024 27,91 tỉ đồng, đạt 42,94% chỉ tiêu Chính phủ giao. Ông Trung cho biết thời gian qua đơn vị đã tổ chức tuần tra, thu thập thông tin, nắm tình hình đối với các địa điểm kiểm tra hàng hóa tại chân công trình, nhà máy sản xuất qua đó phát hiện 5 vụ vi phạm với sô tiền xử phạt hành chính là 6.784.964 đồng.
“Hành vi vi phạm chủ yếu là các công ty đã khai sai mã số, thuế suất, trị giá, khai sai đối tượng miến thuế hàng nhập khẩu, không tái xuất hàng hóa theo đúng thời hạn quy định đã đăng ký với cơ quan hải quan. Còn lại, trên địa bàn không xuất hiện các vụ việc nổi cộm, điển hình hay các vụ việc hình sự”, ông Trung nói.
Có thể bạn quan tâm
Hải quan - Doanh nghiệp: Đồng hành cùng phát triển
06:25, 27/02/2024
Đấu tranh chống buôn lậu từ lực lượng Hải quan
15:03, 12/01/2024
Hải quan khẳng định vị thế trên diễn đàn quốc tế lọt 10 sự kiện ngành năm 2023
21:45, 09/01/2024
Hải quan Hải Dương: Bứt tốc về đích với kết quả ấn tượng
01:43, 02/01/2024