Nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”
Ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh trò chuyện với với Diễn đàn Doanh nghiệp về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.
>>Thúc đẩy năng lượng tái tạo vì mục tiêu đưa phát thải ròng về "0"
Ông Kiểm cho biết, việc tạo ra sự đồng bộ từ cấp Trung ương, địa phương đến các chủ hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cộng đồng doanh nghiệp sản xuất tại KCN và người lao động sẽ góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ về phát triển bền vững, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
- Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Vậy phía doanh nghiệp đã có giải pháp gì để cùng cả nước thực hiện cam kết này, thưa ông?
Tôi cho rằng đây là một chủ trương không phải chỉ ở tầm cỡ quốc gia mà như một triết lý của các quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam đã mạnh dạn cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” tại COP26, đây là một tín hiệu chính thức để tất cả cộng đồng doanh nghiệp trong đó có các KCN đưa ra những đường hướng, lộ trình để thực hiện.
Để thực hiện được, theo tôi đó là một bộ chuỗi các hoạt động không chỉ ở các doanh nghiệp hạ tầng như chúng tôi mà quan trọng hơn là những doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN. Bởi họ chính là những yếu tố sản xuất gây ra những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường như: Khí thải, nước thải, tiếng ồn và các yếu tố thuộc về tiêu dùng năng lượng hay tái sử dụng, kinh tế tuần hoàn.
Tại KCN Bảo Minh, chúng tôi cùng với các doanh nghiệp thiết lập trên 50% các mái nhà xưởng đã sử dụng năng lượng mặt trời. Khoảng hơn 20% lượng nước sử dụng của KCN đã được các doanh nghiệp chú trọng, tiết kiệm và tái sử dụng. Một số các lò hơi hiện nay đã sử dụng đến nhiên liệu thiên nhiên và đang trong quá trình chuyển đổi các lò hơi còn lại để đáp ứng được các quy định về việc giảm phát thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, trong vòng hơn 10 năm qua, KCN Bảo Minh đã vận hành trung tâm xử lý nước thải tập trung, đảm bảo các yếu tố về môi trường được tuân thủ. Đồng thời, luôn luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp khi thay đổi công nghệ thì chúng tôi cũng thay đổi công nghệ theo để tiếp ứng cùng với họ. Cùng với đó, chúng tôi cũng tạo ra những điều kiện như gia tăng diện tích cây xanh, áp dụng toàn bộ các tuyến đường sử dụng đèn năng lượng mặt trời. Về việc sử dụng điện áp mái, chúng tôi đã phối hợp cùng với Sở Công Thương tỉnh Nam Định và các cơ quan chính quyền địa phương tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp áp dụng vào ngay vào trong sản xuất.
- Trong quá trình xây dựng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon, theo ông đâu là rào cản mà các doanh nghiệp đang gặp phải?
Để thay đổi một công nghệ, từ công nghệ truyền thống tiêu tốn nhiều năng lượng ảnh hưởng đến môi trường chuyển sang những phương thức thân thiện với môi trường hơn, ít phát thải và đặc biệt là tiết kiệm năng lượng thì đòi hỏi yêu cầu rất lớn về vốn đầu tư.
Với những doanh nghiệp đi đầu, họ có thể sẵn sàng thay đổi công nghệ, để luôn luôn chiếm lĩnh được thời cơ thuận lợi của thị trường. Còn lại phần đông là các doanh nghiệp đã đầu tư và họ không có đủ nguồn lực để ngay lập tức để chuyển đổi.
Vì vậy, tôi cho rằng rất cần sự tham gia của các nguồn lực trong xã hội. Ví dụ như tạo ra quỹ tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, để họ thấy rằng đầu từ ngày hôm nay với một số điều kiện ưu đãi trong chi phí sử dụng vốn, chi phí đầu tư thì sẽ thu được những lợi ích lâu dài.
>>Việt Nam cần 368 tỷ USD để đạt phát thải ròng bằng “0”
- Trước những khó khăn đó, doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị gì với cơ quan chức năng để khắc phục, thưa ông?
Tôi cho rằng, đây không chỉ là cơ quan chức năng nữa mà tất cả cộng đồng doanh nghiệp đều phải nhận thức rằng họ mới là chủ thể thực hiện. Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế là những đơn vị song hành để tạo ra hành lang hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn là đối tượng đầu tiên phải nhận thức được nhiệm vụ của mình và đặt ra lộ trình thực hiện.
Tôi rất mong, các cơ quan nhà nước sẽ có sự trao đổi thường xuyên hơn với các doanh nghiệp để nắm được những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải như: Khó khăn về kĩ thuật, tài chính, những vấn đề về bộ quy tắc hay các tiêu chí áp dụng. Như vậy sẽ tạo ra sự đồng bộ hơn từ cấp Trung ương, địa phương đến các chủ hạ tầng KCN, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất tại KCN và người lao động. Qua đó, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ về phát triển bền vững và hoàn thành mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy năng lượng tái tạo vì mục tiêu đưa phát thải ròng về "0"
14:07, 25/12/2023
Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ "đổ bể"
04:00, 17/12/2023
Việt Nam cần 368 tỷ USD để đạt phát thải ròng bằng “0”
17:54, 22/11/2023
Tài chính xanh và công nghệ blockchain đưa phát thải ròng về 0
09:31, 09/01/2023