Cần chính sách ưu đãi hơn để thu hút FDI
Ngoài việc đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao và cải cách chính sách, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
>>Đẩy mạnh thu hút FDI: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế
Đó là chia sẻ của ông Ko Tae Yeon, Tổng Giám đốc Heesung Electronics Việt Nam, với DĐDN.
- Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam? Địa phương nào là điểm đến hấp dẫn nhất?
Việt Nam có vị trí thuận lợi không chỉ về mặt địa lý mà còn địa chính trị. Đặc biệt, Việt Nam thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước. Ngoài ra, thị trường Việt Nam còn có tiềm năng lớn về mặt dân số với tỷ lệ dân số trẻ cao.
Chúng tôi đã lựa chọn Hải Phòng để đặt trụ sở sản xuất vì phụ thuộc vào sản phẩm sản xuất và phương thức vận tải phục vụ cho việc xuất khẩu.
Theo quan sát của tôi, phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào thành phố này chủ yếu xuất khẩu qua đường biển, mà không phải bằng đường hàng không.
Tôi có thể đưa ra ví dụ để so sánh giữa Samsung ở Bắc Ninh và LG ở Hải Phòng. Tại Samsung, sản phẩm chính là điện thoại di động nên cần được đặt gần sân bay. Trong khi, sản phẩm chủ lực của LG trước đây là máy giặt, tivi và hiện nay là linh kiện ô tô, chủ yếu được xuất khẩu bằng đường biển.
Hải Phòng có lợi thế với hệ thống logistics hoàn chỉnh, cảng biển thuận lợi, quan trọng hơn là lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
- Ông đã phải mất bao nhiêu thời gian mới “lựa chọn” được Việt Nam, và kế hoạch mở rộng hoạt động của Heesung Electronics tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Chúng tôi phải mất hơn một năm để chọn quốc gia. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã phân tích những ưu và nhược điểm giữa Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar.
Sau khi so sánh về dân số, chính sách của chính phủ, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng… chúng tôi nhận thấy Việt Nam chính là “địa chỉ” lý tưởng nhất để đầu tư, sản xuất.
Về việc mở rộng hoạt động, tôi không thể chia sẻ nhiều vào thời điểm này vì chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán. Nhưng có điều chắc chắn trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, sẽ có nhiều cơ hội cho chúng tôi ở Việt Nam, và Heesung Electronics Việt Nam vẫn đang cố gắng mở rộng để nắm bắt cơ hội này. Trong ngắn hạn, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ở Hải Phòng.
>>Dẫn dòng vốn đầu tư FDI xanh
- Theo ông, Việt Nam cần có giải pháp gì để đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới?
Việt Nam có chiến lược rất rõ ràng về đối tượng và mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi cần hấp dẫn hơn, đặc biệt trước những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng rất cần được chú trọng hơn nữa. Đơn cử, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp để đào tạo lao động.
Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, đặc biệt đối với sinh viên trẻ, nhưng cơ chế hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh.
Mặc dù các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã ổn định, nhưng nên quan tâm hơn đến việc đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, Chính phủ Việt Nam nên quan tâm hỗ trợ các kỹ sư trẻ, đặc biệt là nên hỗ trợ các trường đại học đang nỗ lực tuyển dụng và đào tạo kỹ sư, chẳng hạn như cấp học bổng 4 năm cho kỹ sư; đào tạo và giáo dục cần có tầm nhìn dài hạn.
Đặc biệt, Việt Nam cũng cần chú trọng hỗ trợ sinh viên để các em có cơ hội học tập nhiều hơn. Tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam mong muốn được làm việc trong ngành hải quan, thuế… Tuy nhiên, định hướng này sẽ không góp phần giúp đất nước thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và thu hút đủ vốn cho công nghệ cao. Thế hệ trẻ cần được khuyến khích tìm hiểu về kinh doanh nhiều hơn.
Tương lai của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thế hệ trẻ, nhưng nếu không có tư duy toàn cầu và kiến thức kinh tế thì làm sao có thể đưa ngành sản xuất phát triển được.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa chia sẻ về công nghệ là không đúng. Nếu các kỹ sư Việt Nam hiểu đầy đủ, họ có thể dễ dàng tiếp nhận và nắm bắt chuyển giao công nghệ hơn. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ, nhưng không nhiều kỹ sư có năng lực để đảm nhận.
Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục cải cách chính sách và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào trong nước.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh thu hút FDI: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế
03:50, 28/03/2024
Thu hút vốn FDI vào Quảng Nam còn gặp khó
14:38, 27/03/2024
Dẫn dòng vốn đầu tư FDI xanh
02:00, 25/03/2024
Giải ngân FDI vào Việt Nam trong các tháng tới có thể đạt 1,5 tỷ USD/tháng?
03:50, 22/03/2024
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp FDI trong thực hành phát triển bền vững tại Việt Nam
13:05, 21/03/2024