Đề án 844 qua thực tiễn triển khai
Trọng tâm của việc triển khai Đề án 844 là sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo một cách tổng thể, phát triển hệ sinh thái theo chiều sâu.
Ban Điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) vừa biểu quyết và thống nhất kế hoạch triển khai Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ chương trình quốc gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2026 - 2035.
Kết quả được ghi nhận
Kết quả nổi bật trong việc triển khai Đề án 844 trong thời gian qua chính là việc góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách đã ban hành. Trên cơ sở kết quả triển khai Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các hành lang pháp lý, chính sách cho sự hình thành và phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Cùng với việc hoàn thiện hành lang phát lý, hạ tầng dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) cũng đang phát triển mà ở đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hình thành các nền tảng hạ tầng, dịch vụ phần cứng cũng như phần mềm cho các chủ thể trong hệ sinh thái KNST.
Bộ KH&CN thông qua Đề án 844 đã tuyển chọn các đơn vị để thực hiện các hoạt động ươm tạo, tăng tốc kinh doanh, tiếp cận nguồn lực đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác cho startup. Đến năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 79 cơ sở ươm tạo vừa cung cấp các hạ tầng phần cứng ban đầu (như văn phòng làm việc, cơ sở vật chất dùng chung…), vừa xây dựng chương trình, dịch vụ hỗ trợ cho startup.
Tiếp tục gỡ khó
Mặc dù, hệ sinh thái KNST quốc gia đã có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai đã xuất hiện một số vướng mắc liên quan đến định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hỗ trợ, doanh nghiệp KNST để phục vụ quản lý. Cụ thể:
Một là, chưa có sự thống nhất, đầy đủ trong các quy định về định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ cho các đối tượng hoạt động KNST và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Các thuật ngữ KNST, ĐMST được sử dụng theo các cách hiểu khác nhau gây ra sự không chuẩn xác, lúng túng,...
Hai là, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực bộ máy, con người và kinh phí triển khai các nội dung hoạt động cho doanh nghiệp KNST và doanh nghiệp ĐMST, các tổ chức hỗ trợ hoạt động KNST và ĐMST, gồm cả tổ chức ở khu vực công lập và khu vực tư nhân.
Ba là, chưa có các cơ chế ưu đãi, chính sách đặc biệt đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ĐMST và doanh nghiệp KNST, tổ chức hỗ trợ hoạt động ĐMST và KNST trong các lĩnh vực công nghệ.
Bốn là, chưa có chính sách thúc đẩy sự phối hợp trong khai thác, tối ưu hóa nguồn lực của các ngành, các cấp (gồm cả ngân sách trung ương và địa phương, quốc tế, doanh nghiệp, xã hội) cùng tham gia xây dựng hệ thống ĐMST, hệ sinh thái KNST quốc gia.
Ngoài ra, hiện nay việc triển khai thị trường vốn sơ cấp cho doanh nghiệp KNST chưa có sự đồng bộ quy định pháp lý. Việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp KNST trong tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn…
Có thể bạn quan tâm