Áp lực tỷ giá không đáng ngại
Mặc dù tỷ giá trong nước vẫn đang chịu nhiều áp lực, nhưng theo các chuyên gia, những áp lực này chỉ mang tính ngắn hạn.
>>>Điều gì tác động đến chính sách lãi suất của Fed?
Về dài hạn, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá. Nhờ vậy, tỷ giá năm nay có thể sẽ tiếp tục ổn định trong biên độ cho phép.
Nhiều áp lực…
Vừa điều chỉnh giảm được 1 phiên, tỷ giá trung tâm đã được NHNN tăng trở lại 4 đồng lên 23.998 đồng/USD trong sáng ngày 27/3. Giá mua – bán đồng USD tại các ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng 5-10 đồng/USD so với ngày hôm trước.
Trên thực tế, tỷ giá trong nước đã chịu khá nhiều áp lực kể từ cuối năm 2023. Theo giới chuyên gia, hiện cũng đang có khá nhiều áp lực đến tỷ giá trong nước. Đầu tiên phải kể tới đó chính là sự phân kỳ về chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ. Trong khi FED vẫn neo lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ, thì NHNN đã có 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2023.
Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào do tín dụng tăng trưởng chậm càng khiến chênh lệch lãi suất giữa USD và VND bị thu hẹp, thậm chí có thời điểm lãi suất ngắn hạn của đồng USD còn cao hơn lãi suất VND. Điều đó cũng tạo áp lực lớn đến tỷ giá.
>>>USD neo cao tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá
Chưa hết, việc lạm phát tăng trở lại trong các tháng đầu năm nay cũng tạo thêm áp lực đến tỷ giá. Ngoài ra, còn do yếu tố mùa vụ khi mà nhu cầu ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thường có xu hướng tăng trong giai đoạn này.
… nhưng chỉ là ngắn hạn
Xu hướng tăng giá của đồng USD được dự báo sẽ không kéo dài, bởi dù FED có thể khởi động muộn hơn, song chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đồ thị điểm (dot plot) tháng 3 của FED vẫn cho thấy, cơ quan này vẫn dự kiến 3 đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt 25 điểm cơ bản trong năm nay.
"Việc FED cắt giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD giảm giá, từ đó kéo giảm tỷ giá trong nước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng cho biết.
Vấn đề dư thừa thanh khoản của các nhà băng cũng chỉ mang tính ngắn hạn khi mà tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới do nền kinh tế phục hồi. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự báo, tín dụng tăng nhanh trở lại có thể khiến mặt bằng lãi suất huy động tăng trở lại trong nửa cuối năm nay.
Một yếu tố nữa khiến giới chuyên gia cũng tỏ ra không mấy quan ngại đối với vấn đề tỷ giá, đó chính là việc NHNN đẩy mạnh phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản dư thừa trong thời gian gần đây cũng sẽ làm dịu áp lực lên tỷ giá.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo, năm nay VND chỉ mất giá ở mức 2-2,5%. Trong khi các chuyên gia phân tích của KB Việt Nam nhận định, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1,5% đạt mức 24.600 VND/USD do cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn.
Có thể bạn quan tâm
CEO Vietcap: Giá vay vốn ngoại và bí quyết không lo biến động tỷ giá
16:45, 02/04/2024
Lạm phát, tỷ giá và biến động địa chính trị - Lưu ý rủi ro nào?
17:02, 27/03/2024
Bình thường hóa tiền tệ và dư địa cho tỷ giá
11:48, 24/03/2024
Áp lực tỷ giá không ảnh hưởng đến triển vọng môi trường tín nhiệm 2024
05:10, 22/03/2024