Doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp xu hướng mới
Xu hướng mới đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển cần thích ứng linh hoạt và chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp.
>>Tour du lịch ngắn ngày hút khách dịp lễ 30/4-1/5
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, ngành Du lịch Việt Nam đang phục hồi rất tích cực. Năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,5 lần so với năm 2022, vượt mục tiêu đặt ra ban đầu (8 triệu lượt). Mức độ phục hồi ngành là 70% so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch xảy ra.
Ông Hồ An Phong nêu thống kê, 3 tháng đầu năm 2024 đã có trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù một số thị trường truyền thống của ta chưa phục hồi hoàn toàn, như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... tuy nhiên nhiều thị trường khác đã phục hồi vượt mức năm 2019, tạo động lực kéo tổng lượng khách quốc tế trong quý I/2024 cao hơn cả mức trước dịch.
"Tuy nhiên, mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng nhanh nhưng lượng khách mà các doanh nghiệp lữ hành phục vụ lại không tăng nhiều. Tình trạng này đã được nhận diện thông qua nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành trong suốt thời gian qua.
>>Du lịch Việt Nam cần gì để tỏa sáng trên sân chơi quốc tế?
Điều này cho thấy hình thức đi du lịch không theo tour hay du lịch tự túc đang ngày càng trở nên phổ biến. Xu hướng này càng được thúc đẩy bởi sự “lên ngôi” của chuyển đổi số. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trong tay, khách du lịch đã có thể tự tìm kiếm và đặt dịch vụ một cách rất thuận tiện thông qua các nền tảng trực tuyến", ông Hồ An Phong nói.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt vấn đề: Mô hình kinh doanh theo hướng B2B mà nhiều doanh nghiệp đang tập trung trong thời gian qua liệu có còn phù hợp khi các đối tác ở nước ngoài đang có những thay đổi trong chiến lược thị trường. Phải chăng dịch chuyển trọng tâm sang mô hình B2C trực tiếp hướng đến khách du lịch là yêu cầu cấp thiết hiện nay?
Theo ông Hồ An Phong, xu hướng mới đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển cần thích ứng linh hoạt và chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp.
Trong sự dịch chuyển sang mô hình B2C, yếu tố chuyển đổi số đóng vai trò sống còn. Việc ứng dụng công nghệ và mở rộng diện tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng số sẽ mang lại cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp Việt Nam để thu hút khách hàng là những vị khách du lịch quốc tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chủ động thích ứng và khai thác hiệu quả các cơ hội do xu hướng du lịch mới mang lại, trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng trong thời gian tới.
Trong đó, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động, chiến dịch quảng bá xúc tiến, truyền thông thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại các thị trường nguồn; nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ/đầu tư xây dựng các nền tảng hội chợ, triển lãm B2C, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm dịch vụ, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thông tin, tiếp cận khách hàng trên môi trường số.
Cùng với đó, Bộ xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh hoạt động thu thập, trao đổi, mua bán thông tin để cập nhật vào cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp; hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động, quản trị rủi ro...
Có thể bạn quan tâm
Tạo đà cho doanh nghiệp du lịch bứt phá
17:32, 04/04/2024
Nhiều yếu tố cản trở sự phục hồi của doanh nghiệp du lịch
03:00, 16/03/2024
Tăng trần giá vé máy bay: Doanh nghiệp du lịch sẽ ảnh hưởng ra sao?
03:00, 01/03/2024
Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam nâng cấp thực hành xanh
04:06, 14/02/2024