GBA thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Đức
Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) tiếp tục tăng cường kết nối giao thương kinh tế Đức-Việt và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các bên hữu quan.
>> Doanh nghiệp bang Sachssen (Đức) hoan nghênh lao động tay nghề cao từ Việt Nam
GBA cho biết, Đại hội Thường niên (AGM) diễn ra đồng thời tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu trong năm 2024 sẽ nhằm đẩy mạnh tương tác với các thành viên Hiệp hội, mở rộng hoạt động tại miền Bắc và thúc đẩy các sáng kiến phát triển chiến lược nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương Việt-Đức
Được biết, Quý I năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng cho GBA, với việc bầu ra 15 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc vào hội đồng, đại diện cho các lĩnh vực và ngành nghề đa dạng.
Theo ông Alexander Ziehe, tân chủ tịch GBA đánh giá, Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư Đức, thay đổi từ xu hướng trước đó chủ yếu tập trung vào Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Chính vì vậy, mục tiêu và chiến lược hành động động của GBA trong năm 2024 tập trung vào 2 yếu tố chính. Theo đó, ưu tiên số một của GBA vẫn là theo đuổi mục tiêu kiên định: tăng cường kết nối giao thương kinh tế Đức-Việt thông qua thúc đẩy quyền lợi của các thành viên GBA và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các bên hữu quan.
Ông Ziehe cho biết thêm, GBA sẽ thực thi những mục tiêu này bằng các chiến lược cụ thể, bao gồm 3 sáng kiến hoạt động mới nhằm nâng cao trải nghiệm của các thành viên. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là tăng cường sự hiện diện của GBA tại khu vực phía Bắc Việt Nam, và theo đuổi các cơ hội phát triển chiến lược.
Các sáng kiến này là minh chứng cho sự tiếp cận tích cực của GBA trong việc đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi và ngày càng nâng cao của các thành viên, cũng như tối đa hóa giá trị mà GBA cung cấp tới cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Dự kiến, GBA sẽ giới thiệu thêm các sáng kiến mới nhằm tăng cường trải nghiệm của các thành viên và thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đức. Điển hình là Lễ hội Oktoberfest sẽ diễn ra ở ba miền Việt Nam và Giải thưởng Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam sẽ được tổ chức lần đầu tiên.
>> Hé lộ mối quan ngại nền kinh tế Đức
Trong thời gian vừa qua, GBA đã tích cực làm việc với các cơ quan chính phủ Việt Nam để giải quyết những lo ngại của các thành viên và ủng hộ cải cách chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh doanh. Bao gồm các phiên làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC); Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và lãnh đạo các sở trực thuộc, hướng tới việc mở rộng và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, cũng như khu vực tỉnh/thành phố nói riêng.
Bên cạnh đó, GBA còn hợp tác chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam để tổ chức lễ kỷ niệm tình hữu nghị Đức - Pháp và nhiều hội nghị kinh doanh, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong khu vực ASEAN.
Đặc biệt, trong quý I năm 2024, GBA đã thực hiện một loạt sự kiện và hoạt động đa dạng, nổi bật là hội nghị bàn tròn giữa Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự tham gia của Bộ trưởng Lao động và Xã hội Đức.
GBA cũng đã thể hiện vai trò then chốt trong việc tạo ra đối thoại giữa doanh nghiệp thành viên và các cơ quan chính phủ Đức tại Việt Nam, nhằm đề xuất và thảo luận về các chiến lược hợp tác cho năm 2024. Các cuộc thảo luận tập trung vào những vấn đề chính yếu như tăng tính minh bạch trong chính sách đầu tư, tiêu chuẩn quốc tế, công cuộc số hóa và ưu đãi cho lao động nước ngoài.
Đến nay, với gần 400 thành viên và đối tác doanh nghiệp, GBA không chỉ là hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn tại Việt Nam mà còn là một trong những thành viên sáng lập của EuroCham Việt Nam. Các hoạt động và chiến lược của GBA đã và đang góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và phát triển bền vững cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm