Tín chỉ carbon từ 1 triệu hecta lúa
Đề án tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thể liên kết với nông dân một cách bền vững, có vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng.
>>Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới
Kỳ vọng bán tín chỉ carbon từ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” đang đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe nếu không sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, số liệu tính toán ban đầu, 1 héc ta sản xuất lúa sẽ giảm được khoảng 10 tấn khí thải, trong khi mỗi tấn giảm đi sẽ được chi trả khoảng 10 đô la Mỹ, tức mỗi héc ta có thêm 100 đô la Mỹ tiền bán tín chỉ carbon.
Với các tiêu chí liên quan để thực hiện đề án đang được Bộ NN&PTNT Xây dựng, có vấn đề rút nước ra khỏi đồng ruộng, tiêu chí dự kiến áp dụng là mỗi ô bao sẽ có diện tích 50 héc ta. “Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và đưa ra tiêu chí diện tích bình quân của mỗi ô bao để đo mức thải khí nhà kính là trên dưới 50 héc ta”, ông Nam cho biết và giải thích, đây là diện tích lý tưởng để áp dụng kỹ thuật rút nước ra khỏi đồng ruộng được nhanh chóng và thuận lợi. Còn thực hiện mỗi ô bao 1.000 - 2.000 héc ta sẽ không chủ động trong rút nước.
Đáng lưu ý, đề án đưa ra tiêu chí huy động doanh nghiệp tham gia vào là phải có hợp đồng liên kết sản xuất với quy mô ít nhất phải 5.000 - 10.000 héc ta. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp phải liên kết sản xuất ít nhất phải 5.000-10.000 héc ta. Doanh nghiệp tham gia mua lúa 200 - 300 héc ta không phải là liên kết.
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thẳng thắn, doanh nghiệp cứ bàn tiêu chí đi, nhưng nếu không đáp ứng điều kiện trên thì khỏi trình lên. Thực tế, thời gian qua xảy ra tình trạng tranh chấp, nông dân và doanh nghiệp “bẻ kèo” lẫn nhau không phải là “hợp đồng liên kết sản xuất” mà chỉ là “hợp đồng mua bán”. Do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thẳng thắn: “Doanh nghiệp phải đầu tư đầu vào, đầu ra vào một vùng nguyên liệu, thì mới gọi là hợp đồng liên kết sản xuất. Còn như thời gian qua bàn luận nhiều nhưng cuối cùng chỉ là mua lúa thôi. Chúng ta phải phân biệt rõ điều này, không khéo chúng ta nhầm lẫn. 1 triệu héc ta, mà doanh nghiệp tham gia chỉ 200 - 300 héc ta, thì biết bao nhiêu doanh nghiệp cho đủ, cho nên, chúng tôi hướng đến phải là doanh nghiệp lớn.
Đồng quan điểm, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành rất cần vùng nguyên liệu lớn, cung cấp đầu vào chất lượng cao và ổn định, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, từ đó có thể nâng cao giá trị sản phẩm của doanh nghiệp khi tham gia thị trường gạo thế giới. Việc triển khai Đề án tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thể liên kết với nông dân một cách bền vững, có vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Bởi Đề án đặt mục tiêu 100% diện tích sản xuất có liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ chức nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon
15:00, 02/04/2024
Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới
02:00, 22/03/2024
Xanh hoá sản xuất, giảm phát thải từ tín chỉ carbon
03:00, 17/03/2024
Những ngành nào có tiềm năng thực hiện dự án tín chỉ carbon?
03:00, 08/03/2024