Tỷ giá tăng, doanh nghiệp muốn vay USD với lãi suất 4%
Tuần đầu tháng 4/2024 ghi nhận những biến động trên thị trường ngoại hối với cặp tỷ giá VND/USD tiếp tục có áp lực tăng.
>>>USD neo cao tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá
"Việt Nam đồng mất giá còn ở mức thấp"
Theo đó, trong tuần này, thị trường đã chứng kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng lên theo từng ngày. Có thời điểm, như phiên giao dịch ngày 3/4, tỷ giá do Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước công bố đã tăng mạnh so với phiên liền trước; cũng như tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đều tăng, thậm chí giá bán ra tại ngân hàng thương mại đã vượt mốc 25.000 đồng/USD. Mặc dù vậy, đến cuối tuần, tỷ giá đã có phần hạ nhiệt và ở mức 25.120 đồng/USD vào thứ sáu.
Thị trường cũng ghi nhận NHNN đã cùng lúc có động thái bơm - hút tiền trên thị trường mở thay cho chỉ hút ròng như hơn 3 tuần liên tiếp trong tháng 3. Với cả 2 trạng thái mua - bán tín phiếu trên thị trưởng mở của NHNN, lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng đã có nhịp tăng mạnh trong tuần với lãi suất cho vay qua đêm vọt lên tới 4,59%, gần sát với mốc lãi suất tối đa 5% theo quy định của NHNN.
Có áp lực với tỷ giá và đây là vấn đề đáng chú ý trong quý I/2023, là quan điểm được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận. Theo ông Tú, tuy áp lực, nhưng Việt Nam đồng chỉ mất giá 2,6%, thấp hơn so với nhiều nước.
"Năm 2023 mất giá khoảng 2,9%, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chúng tôi đang tính toán trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD cũng đã có bước tăng khoảng 2,6%. Nhưng so với các nước khác là các nước lớn, chẳng hạn như Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá với USD khoảng 1,4%; đồng Bath Thái khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên Nhật cũng đã giảm giá 7,52%...", Phó Thống đốc nói về tỷ giá và chính sách của cơ quan quản lý tại phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tháng 4.
"Với sự điều hành linh hoạt của NHNN, tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định, thị trường ngoại tệ thông suốt, đảm bảo các cân đối chung ngoại tệ, trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế cũng như đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.
>>> Doanh nghiệp còn khó, nhiều TCTD tăng trưởng dư nợ cao
“Có thể thấy ngay các nước lớn, nền kinh tế lớn cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá của đồng USD do chính sách đồng USD của Mỹ”, ông Tú nói và cho hay NHNN sẽ can thiệp "nếu tỷ giá nóng".
Doanh nghiệp vay VND lợi hơn USD
Trong bối cảnh tỷ giá có áp lực và biến động chỉ trong 1 quý, đã gần mức của cả năm 2023, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều lo ngại.
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết ngành thủy sản luôn có doanh số xuất khẩu lớn, song năm 2023 đã sụt giảm nặng nề, chưa đạt 9 tỷ USD, giảm gần 20%.
"Ở quý III/2023, các doanh nghiệp thủy sản cho biết đã không còn tài sản nào để thế chấp đảm bảo khoản vay ngân hàng. Điều đó phản ánh hoạt động khó khăn và hầu như không có doanh nghiệp nào có đơn hàng cả", bà Lan nhìn nhận.
Đến quý I/2024, theo Phó Tổng Thư ký VASEP, ngành thủy sản đã có giá trị xuất khẩu 2 tỷ USD, nhờ tháng 1 xuất khẩu của ngành thủy sản tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt tăng trưởng của ngành tôm.
Đối với vốn cho ngành thủy sản, bà Lan cho biết với nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thường vay USD, biến động tỷ giá không có lợi cho doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp chững lại về vay vốn, chờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu lớn.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có chiến lược tốt, có mối quan hệ tốt với ngân hàng thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay khi có lịch sử tài chính tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng, thậm chí không biết về gói hỗ trợ này.
Theo bà Lan, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%.Còn với các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%. Từ thực tế trên, bà Lan đề xuất các ngân hàng xem xét hạ lãi suất đối với vay USD với mức dưới 4%, bên cạnh đó bà Lan cũng đề xuất các ngân hàng phổ biến công khai các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp ngành - chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ, tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long - dễ dàng tiếp cận.
Rất chia sẻ về đề xuất hạ lãi vay đối với đồng USD của bà Lan, nhưng một chuyên gia cho biết trong tương quan chung, đây là đề xuất khá... bất khả thi. Bởi với bối cảnh đồng bạc xanh tăng giá, lãi suất Fed Fund Rate cũng đang ở mức 5,25-5,5% - mức cao nhất trong lịch sử hàng chục năm ở Mỹ, thì rất khó có kỳ vọng giá vốn cho vay ngoại tệ rẻ đối với doanh nghiệp nhỏ ở ta, trong khi nhóm này tài sản đảm bảo ít giá trị và thường là đảm bảo trên đơn hàng...
Ông này cũng cho rằng đối với gói vay chuyên ngành lâm, thủy sản mà NHNN đã công bố năm 2023, phải nhìn nhận trên cơ sở đây là gói ưu đãi duy nhất mà tỷ lệ giải ngân đạt 100% trong năm qua và NHNN đang có chủ trương mở rộng quy mô lên gấp đôi (30.000 tỷ đồng), tức khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp ngành rất tốt, có nhu cầu. Với triển vọng ngành xuất khẩu thủy sản phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, và cộng hưởng xu hướng các nhà băng đang hạ lãi suất cho vay với khách hàng có khả năng trả nợ, các NHTM nên xem xét để hạ tiếp lãi suất vay (tiền Đồng), cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Tiếp tục hạ lãi suất vay VND, cũng là quan điểm của TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - tại hội thảo Khơi thông dòng vốn ra thị trường. Chia sẻ tại hội thảo do báo Tuổi trẻ tổ chức mới đây, ông Phước cho rằng về lâu về dài cần hạ thấp lãi suất xuống.
"Lãi suất VND đang thấp xuống nên nếu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán thì doanh nghiệp nên vay VND mua ngoại tệ sẽ hiệu quả hơn. Còn nếu doanh nghiệp cần vay ngoại tệ thì ngân hàng thương mại nên hoán đổi ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Tạo nguồn ứng trước ngoại tệ với lãi suất vừa phải để hỗ trợ xuất khẩu", chuyên gia khuyến nghị.
Liên quan đến trạng thái tỷ giá trên thị trường, chuyên gia cho rằng NHNN cần có tiếng nói để trấn an thị trường lúc này. "Một quý mà để đồng bản tệ mất giá 2-3 % thì NHNN cần phải có tiếng nói. Vì tỷ giá tăng ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.
Chúng ta ám ảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhưng Fed chỉ tác động nào đó đối với nền kinh tế Việt Nam thôi. Quý III/2024 USD sẽ quay đầu giảm khi Fed cắt giảm lãi suất. Trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của NHNN, nhưng tuyệt nhiên không thể để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái, vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất", TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực tỷ giá không đáng ngại
02:11, 05/04/2024
CEO Vietcap: Giá vay vốn ngoại và bí quyết không lo biến động tỷ giá
16:45, 02/04/2024
Lạm phát, tỷ giá và biến động địa chính trị - Lưu ý rủi ro nào?
17:02, 27/03/2024
Bình thường hóa tiền tệ và dư địa cho tỷ giá
11:48, 24/03/2024
Áp lực tỷ giá không ảnh hưởng đến triển vọng môi trường tín nhiệm 2024
05:10, 22/03/2024
Phòng ngừa rủi ro tỷ giá: Có nên sử dụng công cụ tài chính phái sinh?
04:00, 13/03/2024