Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế: Một trọng tâm, hai tăng cường, ba đẩy mạnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thừa Thiên Huế chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" khi triển khai các quy hoạch.
>>>Thừa Thiên Huế sẵn sàng cho Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư
Dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững.
"1 trọng tâm", "hai tăng cường", "ba đẩy mạnh"
Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, trước đây do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa làm được nhiều. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này đã được tập trung đầu tư, đẩy mạnh thực hiện; công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ (đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 109/111 quy hoạch). Dự kiến trong năm nay, sẽ hoàn thành tương đối toàn diện, đồng bộ, tổng thể các quy hoạch cấp Trung ương, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" khi triển khai các quy hoạch.
"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, ứng phó biến đổi khí hậu.
"Hai tăng cường", gồm: (1) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); (2) Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, kết nối giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường.
"Ba đẩy mạnh", gồm: (1) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội...); (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
>>>Kho Bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế: Nỗ lực hướng tới kho bạc số
Năm nhiệm vụ trọng tâm
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu thứ nhất, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; để năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nếu đủ điều kiện.
Thứ hai, phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông mọi nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược.
Thủ tướng lưu ý, cần làm mới văn hóa truyền thống bằng công cụ hiện đại, quốc tế hóa bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới.
Thứ ba, phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn (nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô-Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế...).
Thứ tư, quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như du lịch, tài chính, công nghệ thông tin, y tế chuyên sâu...
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số như PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.
"Những người làm thủ tục phải có cảm xúc với dự án, với nhà đầu tư, phải đặt mình vào địa vị của họ, phải đắm đuối với công việc thì mới làm có trách nhiệm được, làm hết việc chứ không hết giờ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Về nhiệm vụ của các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố.
Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần "ba cùng": "cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh… Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, đóng góp ý kiến tham vấn cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ. Tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch; tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, đồng bộ với địa phương; cùng địa phương, cùng cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng toàn thể các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; tạo khí thế, động lực mới cho phát triển.
"Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương khác, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như các quy hoạch đã công bố, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về Thừa Thiên Huế và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ", Thủ tướng phát biểu.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc. Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển. 3 trung tâm đô thị, gồm: (1) Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà), (2) Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền-Quảng Điền-A Lưới), (3) Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông). 3 hành lang kinh tế, gồm: (1) Hành lang kinh tế Bắc-Nam, (2) Hành lang kinh tế Đông-Tây, (3) Hành lang kinh tế đô thị hướng biển. 3 động lực tăng trưởng, gồm: (1) Thành phố Huế, (2) Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, (3) Khu công nghiệp Phong Điền. 5 khâu đột phá phát triển là: (1) Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; (2) Hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông, (3) Phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; (4) Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; (5) Thúc đẩy dịch vụ - du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế. |
Có thể bạn quan tâm
Thừa Thiên Huế sẵn sàng cho Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư
11:00, 02/04/2024
KCN Gilimex Thừa Thiên Huế- KCN bền vững của tương lai
14:54, 30/03/2024
Thừa Thiên Huế: Khởi công trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Gilimex
09:25, 16/02/2024