Giải bài toán tăng trưởng tín dụng cách nào?

DIỄM NGỌC 08/04/2024 11:10

Để đối phó với khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng, cần nhiều giải pháp như hạ lãi suất cho vay, mở rộng cơ hội cho vay tín chấp, kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế...

>>Thủ tướng đề nghị nghiên cứu gói tín dụng lãi suất thấp cho nhà ở xã hội

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đến tháng 3 và quý 1/2024 mới đạt khoảng 0,9%, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 32 ngày 5/4 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Trong khoảng thời gian từ 2014 - 2018 và cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đã chứng kiến xu hướng giảm mạnh

Trong khoảng thời gian từ 2014 - 2018 và cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đã chứng kiến xu hướng giảm mạnh

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, việc tiếp cận vốn tín dụng cho các doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều trở ngại. Mặc dù các ngân hàng đã cam kết mở rộng cơ hội vay vốn nhưng thực tế, nhiều đơn vị vẫn đối diện với khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết để tiếp cận nguồn vốn này.

Cụ thể, các vấn đề như thiếu tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính không rõ ràng và quản trị doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp là những rào cản lớn. Bên cạnh đó, một thách thức quan trọng khác đối với các doanh nghiệp này là việc mở rộng thị trường và tăng khả năng bán hàng, điều mà nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, tình trạng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong những tháng đầu năm là một hiện tượng thường thấy. Dữ liệu từ giai đoạn 2013-2023 cho thấy mức tăng trưởng tín dụng trung bình 2 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,56%. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ 2014 - 2018 và cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm đã chứng kiến xu hướng giảm mạnh, thậm chí là âm, đánh dấu sự khởi đầu chậm chạp cho ngành ngân hàng trong những năm này.

Theo ông Hùng, ngành ngân hàng đang đối mặt với một số khó khăn như: tình trạng thiếu hụt vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp vật lộn để tồn tại trước ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, sự bất ổn do xung đột địa chính trị gây ra đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến việc giảm đơn hàng, cạn kiệt nguồn lực và tài sản.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng đang chịu đựng áp lực lớn từ vấn đề nợ xấu, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực. Tình trạng ảm đạm của thị trường bất động sản đã làm gia tăng khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình hình tài chính cho nhiều ngân hàng, khi họ tìm cách giải quyết lượng nợ xấu ngày càng tăng.

“Đáng chú ý, trong bối cảnh triển khai các chương trình và chính sách mới theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều trở ngại và thách thức. Trong đó, có các quy định pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội khi một số điều kiện đặt ra cho người mua nhà không tương thích với khả năng tài chính và thu nhập của họ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận nhà ở xã hội của người dân mà còn tạo thêm áp lực cho ngân hàng trong việc quản lý rủi ro và cung cấp các khoản vay một cách hiệu quả”, ông Hùng cho biết.

>>GRDP TP.HCM tăng cao nhất 5 năm, tín dụng tăng tích cực

Để đối phó với những khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Đình Tuệ kiến nghị Nhà nước chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp kích thích tiêu dùng và đầu tư như tăng cường giải ngân cho các dự án đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại.

Việc gia hạn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sau ngày 30/6 cũng được xem là một biện pháp để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế

Việc gia hạn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sau ngày 30/6 cũng được xem là một biện pháp để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế

Ngoài ra, việc gia hạn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sau ngày 30/6 cũng được xem là một biện pháp để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Chính sách giảm thuế VAT đã góp phần quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như người tiêu dùng trong thời gian qua. Vì vậy, việc gia hạn sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ đà hồi phục hiện tại, đồng thời tạo một lớp đệm an toàn để chống lại những bất ổn có thể xảy ra trong tương lai.

“Về phía các ngân hàng, cần thiết giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay; kết hợp với đơn giản hóa các thủ tục vay vốn và mở rộng cơ hội cho vay tín chấp để cải thiện khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Riêng đối với các doanh nghiệp, cần tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tìm cách tiết kiệm chi phí. Qua đó có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Các biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và hướng tới sự phát triển bền vững”, ông Tuệ đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Xem xét hạ lãi suất gói vay 120.000 tỷ đồng

    09:18, 16/03/2024

  • Kỳ vọng hạ lãi suất của Fed ngày càng giảm đáng kể

    04:22, 02/03/2024

  • Đua hạ lãi suất cho vay “đảo nợ”

    04:03, 17/09/2023

DIỄM NGỌC