Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì đâu chưa bỏ?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phát huy hiệu quả, chưa điều tiết được thị trường, trong khi hiện chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu giảm xuống hàng tuần, sát với giá thế giới thì bỏ quỹ là việc nên làm…
>>Có nên để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu?
Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng có 8 lần tăng, 6 lần giảm. Tương tự dầu diesel cũng tăng 8 lần và giảm 6 lần. Hiện mỗi lít RON 95-III đắt hơn 2.890 đồng, còn dầu thêm 1.620 đồng so với đầu năm. Tương ứng, giá xăng tăng 13%, dầu tăng 8% trong giai đoạn này. Trong khi đó, từ kỳ điều hành ngày 23/10/2023 đến nay, cơ quan quản lý liên tục không chi sử dụng quỹ bình ổn. Hiện số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỷ đồng tính đến cuối 2023, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm trước.
Các chuyên gia cho rằng, theo các quy định về kinh doanh xăng dầu, nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và được hạch toán, theo dõi riêng bằng tài khoản mở tại ngân hàng. Việc chi sử dụng quỹ do nhà điều hành (liên bộ Công Thương – Tài chính) quyết định, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.
Nhưng trên thực tế, việc quản lý và sử dụng quỹ bình ổn đang phát sinh những bất cập, trong đó việc 2 lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil bị bắt liên quan vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỷ đồng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là một điển hình, điều này cũng cho thấy nhiều bất cập trong quản lý hơn 7.000 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu đang nằm tại doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để tránh nguy cơ hàng nghìn tỷ đồng nằm trong quỹ bị sử dụng sai mục đích, không hiệu quả trong khi đây là số tiền do người dân đóng góp thông qua mua xăng dầu.
Thực tế, không phải từ vụ việc của Công ty Xuyên Việt Oil dư luận mới rộ lên kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều trong suốt thời gian qua, khi xây dựng Luật giá (sửa đổi).
Nhiều ý kiến cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hoàn thành sứ mệnh và đã đến lúc bỏ quỹ này. Thay vào đó, cơ quan quản lý nên sử dụng kết hợp công cụ thuế, phí và dự trữ xăng dầu để điều hành. Từ góc nhìn doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo còn cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ có tác dụng trong thời điểm 2012 - 2016, khi giá xăng dầu tương đối ổn định, tăng giảm với tần suất khiêm tốn 100 - 200 đồng mỗi lần, và đồng đều giữa các mặt hàng.
Sau đó, từ năm 2021 - 2022, quỹ có nhiều bất cập do biên độ tăng giảm cao, trong khi mức bù hay trích quá thấp nên không phát huy tác dụng. Hơn nữa, các mặt hàng biến động trái chiều, dẫn đến bất bình đẳng. "Ví dụ xăng tăng phải lấy quỹ bình ổn bù vào nhưng dầu diesel giảm giá phải trích quỹ. Như vậy, người dùng dầu diesel phải bù cho người dùng xăng. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp âm quỹ do bán các mặt hàng phải bù quỹ nhiều hơn”, ông Bùi Ngọc Bảo phân tích.
>>Xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu: Còn “vướng” ở đâu?
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói rằng, Quỹ này thời gian qua có nhiều ý kiến đánh giá hoạt động không hiệu quả, cho nên phải có những giải pháp thay thế. Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu thay vì để tiền trong quỹ rồi điều hành như hiện nay.
“Ở một số nước, dự trữ xăng dầu lên tới hàng chục triệu lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu thấp, họ mua vào để dự trữ, khi giá cao, họ lấy nguồn dự trữ ra để bình ổn giá. Nguồn dự trữ xăng dầu của họ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường từ 3-6 tháng. Trong khi đó nguồn xăng dầu dự trữ ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5 ngày là quá thấp”, ông Phú nói.
Từ một góc nhìn khác, đồng thời phân tích những vụ việc vừa qua khi một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil, Hải Hà Petro đã bị điều tra, truy tố về các sai phạm trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu Chính phủ đồng ý với phương án giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lần 2 của Bộ Công Thương đề xuất) thì cần có quy định để quản chặt, tăng trách nhiệm của các bên liên quan nhằm tránh nguy cơ chiếm dụng quỹ.
“Chẳng hạn, thay đổi cách quản lý theo hướng kiểm tra, giám sát quỹ sau mỗi kỳ điều chỉnh giá. Cùng với đó, Nhà nước cần quy định trách nhiệm khi xảy ra sai phạm về cơ quan quản lý”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Có thể bạn quan tâm