VCCI đồng hành cùng nhà đầu tư Đài Loan tìm “bến đỗ” tại Việt Nam
VCCI luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Đài Loan, thúc đẩy việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp.
>>VCCI nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Canada
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Chủ nhiệm Ủy ban công tác Đài Loan nhấn mạnh tại “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan”, chiều 8/4.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết cách đây 35 năm, doanh nghiệp Đài Loan là những nhà đầu tư đầu tiên đến Việt Nam triển khai các dự án đầu tư và đã có đóng góp quan trọng cho sự chuyển đổi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam - nơi hội tụ thương mại và đầu tư quốc tế
“Đài Loan là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam với quy mô đầu tư FDI đã đạt gần 40 tỷ USD, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương khoảng 25 tỷ USD”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Đến nay, các nhà đầu tư Đài Loan đã có mặt tại hầu hết các tỉnh và thành phố của Việt Nam từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, đầu tư của Đài Loan trong hơn 30 năm qua đã có sự thay đổi về chất từ những ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, đồ gỗ trong thập niên 90 của thế kỷ 21 thì nay đã chuyển sang những ngành nghề điện tử công nghệ cao.
“Hiện nay, phần lớn các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan như Foxconn, Wistron, Qisda, Pegatron, Compal, Quanta… đều đã đầu tư vào Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng cho quan hệ hợp tác giữa hai bên”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.
Những năm gần đây mặc dù phải chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và những khó khăn của kinh tế toàn cầu, quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan tiếp tục tăng trưởng.
Trong khi, đầu tư toàn cầu có xu hướng giảm nhưng năm 2023 đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam vẫn đạt con số trên 2,7 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2022.
“Những con số này cho thấy đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu thế tăng trong những năm tới và tôi mong rằng mỗi vị đại biểu có mặt tại Diễn đàn ngày hôm nay sẽ là cầu nối để các nhà đầu tư Đài Loan tìm bến đỗ tại Việt Nam”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
>>VCCI hỗ trợ Hiệp hội Nhôm Liên bang Nga tìm kiếm đối tác tại Việt Nam
>>VCCI nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Canada
Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ phát triển cao, liên tục trong gần 40 năm qua và đang có triển vọng tươi sáng. Quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 đã nằm trong TOP40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới.
Việt Nam luôn nằm trong TOP10 thế giới về thu hút FDI, môi trường kinh doanh ở Việt Nam luôn được quan tâm hoàn thiện, tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư. Việt Nam có nền kinh tế mở, đang là điểm đến hấp dẫn, là nơi hội tụ các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Việt Nam đã ký hơn 90 Hiệp định thương mại và 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, là thành viên của 16 Hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng trong xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tại khu vực châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao.
“Bên cạnh đó, định hướng chuyển đổi số và xây dựng kinh tế xanh của Chính phủ Việt Nam cũng là một trong những yếu tố tích cực để các nhà đầu tư Đài Loan phát huy được thế mạnh khi đầu tư vào Việt Nam”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Thành công của doanh nghiệp Đài Loan là thành công của VCCI
Với dân số trên 100 triệu người, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ dồi dào và là một thị trường không nhỏ với mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Việt Nam giữ được sự cân bằng, ổn định trong quan hệ với các cường quốc hàng đầu thế giới.
Giữ được vị thế quốc tế và là quốc gia có hoà bình và ổn định chính trị - xã hội hàng đầu thế giới, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Việt Nam cũng đang phấn đấu đến năm 2045 gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Đây là mục tiêu, là khát vọng, là động lực chung của quốc gia cũng như của mỗi người dân và của mỗi doanh nghiệp Việt Nam.
“Tất cả các yếu tố nêu trên tạo nền tảng và cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào giai đoạn phát triển mới của kinh tế Việt Nam, giai đoạn Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia phát triển”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.
Các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo… sẽ tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, Đài Loan hợp tác cùng thắng tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường toàn cầu.
“Đài Loan có ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới nên cơ hội hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này là hết sức to lớn. Tôi mong rằng các quý vị đại biểu và các doanh nghiệp có mặt ngày hôm nay cùng nỗ lực với chúng tôi để thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Đài Loan trong lĩnh vực này”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và bình đẳng cho các doanh nghiệp phát triển, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.
Là tổ chức quốc gia có sứ mệnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, VCCI luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Đài Loan, thúc đẩy việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp.
“Thành công của các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam cũng là thành công của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Có thể bạn quan tâm
VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình và Viện thương mại Kinh tế quốc tế ký kết hợp tác đào tạo tập huấn doanh nghiệp
17:09, 03/04/2024
VCCI hỗ trợ Hiệp hội Nhôm Liên bang Nga tìm kiếm đối tác tại Việt Nam
15:59, 02/04/2024
Dấu mốc quan trong trong hợp tác giữa VCCI và Lào Cai
23:41, 28/03/2024