Tiếp tục gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh

LAM SONG 09/04/2024 01:00

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 32 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

>>Chính quyền địa phương vào cuộc, hàng trăm dự án được “gỡ khó”

Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Qua đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

fff

Việc giảm lãi suất đầu vào là sẽ là cơ sở quan trọng để giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

NHNN phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục có chính sách đột phá các gói tín dụng ưu đãi góp phần tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay, việc triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4. Tổ chức nào không thực hiện thì Thống đốc NHNN xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và không ngừng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…

Có thể khẳng định, so với cùng kỳ tháng trước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất huy động) trong ngày đầu tháng 4/2024 tại nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh, với mức giảm từ 0,1 – 1,0%/năm/tùy ngân hàng.

Cụ thể, tại Vietcombank, biểu lãi suất ghi nhận mức giảm 0,1% từ các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống, qua đó lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng cùng niêm yết ở mức 2,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 4,6%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất huy động cao nhất) tại Vietcombank đang là 4,7%/năm cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Tương tự, BIDV, biểu lãi suất cũng ghi nhận mức điều chỉnh giảm từ 0,1 – 0,3% tại các kỳ hạn được khảo sát, cụ thể: kỳ hạn 6 và 9 tháng cùng giảm 0,2% xuống còn 3,0%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1% xuống còn 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm 0,3% xuống còn 4,7%/năm. Lãi suất 4,7%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất đang được BIDV áp dụng.

Còn ở ACB, biểu lãi suất mới ghi nhận giảm từ 0,2 - 0,4% so với cùng kỳ tháng 3/2024. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng điều chỉnh giảm 0,4% xuống còn 3,3%/năm; kỳ hạn 9, 12 tháng cùng điều chỉnh giảm 0,3% xuống lần lượt là 3,6%/năm và 4,3%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 4,4%/năm.

Tại MB, ngân hàng cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,2 – 0,4%/tùy kỳ hạn, trong đó: kỳ hạn 6 tháng điều chỉnh giảm 0,3% xuống còn 3,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 12, 24 tháng giảm 0,2% xuống lần lượt là 4,5%/năm và 5,6%/năm. 5,6%/năm cũng là mức lãi suất cao nhất đang được MB áp dụng.

>>Thủ tướng chủ trì hội nghị gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội

Theo nhận định của giới chuyên môn, việc các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào là sẽ là cơ sở quan trọng để giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, qua đó sẽ hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp tốt hơn.

Thực tế cho thấy, khi khảo sát doanh nghiệp và ngân hàng, doanh nghiệp thường trả lời khát vốn, khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp. Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số các doanh nghiệp có khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém…Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Để khắc phục tình hình này, ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng thay vì kết thúc vào 30/6 tới.

Về phía ngân hàng, ông Tuệ đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp. Đặc biệt, cần chống tiêu cực trong bộ máy, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Dự báo về xu hướng lãi suất, các chuyên gia nhấn mạnh rằng lãi suất tiền gửi sẽ gặp khó khăn trong việc giảm mạnh hơn. Với việc duy trì mức lãi suất điều hành ổn định, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay sẽ được duy trì ở mức hợp lý, mang lại sự an tâm cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời đóng góp vào việc hồi phục và phát triển nền kinh tế.

Việc giảm lãi suất chỉ là một phần của giải pháp cần thiết. Để thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp, cần phải tập trung vào việc cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ toàn diện nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và kích thích các yếu tố tăng trưởng và tiêu dùng. Đồng thời, sự minh bạch trong tài chính của các doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để tăng cơ hội tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà "gỡ khó" cho các dự án trọng điểm quốc gia do Petrovietnam triển khai

    15:50, 26/03/2024

  • Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hải Phòng

    14:56, 26/03/2024

  • Đề xuất gỡ khó 8 dự án BOT thua lỗ: Chuyên gia nói gì?

    00:20, 24/03/2024

  • Chính quyền địa phương vào cuộc, hàng trăm dự án được “gỡ khó”

    10:42, 22/03/2024

  • Gỡ khó hạ tầng khu công nghiệp ở Đắk Lắk

    15:30, 21/03/2024

LAM SONG