Người dân “chê” giá cao, vé máy bay nội địa dịp lễ 30/4-1/5 có “ế”?

HÀ THU 10/04/2024 10:00

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đặt chỗ của hành khách vẫn ở mức trung bình trên tất cả các đường bay nội địa.

>>Giá vé máy bay tăng, áp lực cho doanh nghiệp du lịch

Từ giữa tháng 3 đến nay, giá vé máy bay dịp lễ 30/4 đã được niêm yết cao chót vót, nhất là trên các chặng đường bay có nhu cầu đi lại cao về du lịch.

Mặc dù mua sớm, nhưng giá vé vẫn cao. Cụ thể, chặng TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng dịp lễ 30/4 và 1/5 (chiều đi ngày 27/4, chiều về ngày 1/5), giá vé máy bay khứ hồi của Vietravel Airlines có mức giá thấp nhất từ 4,2 triệu đồng/khách; Bamboo từ khoảng 4,6 triệu đồng/khách và Vietjet từ khoảng 4,8 triệu đồng.

Vé máy bay dịp nghỉ lẽ 30/4 - 1/5 đang rất

Vé máy bay dịp nghỉ lẽ 30/4 - 1/5 đang rất "nóng".

Tương tự, chặng TP. Hồ Chí Minh- Phú Quốc, giá khứ hồi thấp nhất từ khoảng 3,4 triệu đồng/lượng của Vietravel Airlines, khoảng 3,7 triệu đồng của Vietjet. Trong khi Vietnam Airlines giá từ khoảng 4 triệu đồng nhưng nhiều chuyến bay đã hết chỗ; vé hạng thương gia giá khoảng 8,8 triệu đồng.

Chặng Hà Nội - Phú Quốc đắt vô lý một số chuyến bay đã hết vé rẻ, chỉ còn vé khá cao. Cặp vé khứ hồi hạng phổ thông từ 28/4 và trở về 2/5, hành khách bay chặng Hà Nội - Phú Quốc dao động từ 7 triệu - 9 triệu đồng. Hạng thương gia của Vietnam Airlines còn lên đến 13 triệu đồng. Các mức giá trên gần gấp đôi chuyến bay giờ đẹp trung tuần tháng 3. Tuy vậy, cũng không còn nhiều chỗ.

Tại chặng du lịch Hà Nội - Đà Lạt, giá vé máy bay cũng cao kỷ lục với vé khứ hồi của Vietnam Airlines dao động từ 7 triệu - 8,5 triệu đồng hạng phổ thông, Vietjet dao động 6 - 6,5 triệu đồng. Chặng Hà Nội - Nha Trang giá vé đã lên đến gần 5 triệu đồng - 7,4 triệu đồng cho vé khứ hồi của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet và  Bamboo Airways…

Một trong những nguyên nhân của việc tăng giá vé máy bay là do Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/3, đã quy định tăng trần giá vé máy bay nội địa. Tính từ 1/3, giá vé máy bay nội địa đã tăng khoảng 3,75%, điều này đã góp phần làm tăng chi phí du lịch của người dân.

Một nguyên nhân khác quan trọng là do tình hình cung tải tại thị trường hàng không nội địa đang gặp khó khăn, đặc biệt là sau khi nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) phải triệu hồi động cơ, làm ngành hàng không Việt Nam đối diện với thiếu hụt đội máy bay nghiêm trọng. Điều này khiến cho vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn. 

Còn theo lý giải của các hãng hàng không, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao, giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, việc hai hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội máy bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, cắt nợ và chờ thị trường khôi phục, dẫn đến đội máy bay bị thiếu hụt, cung không đáp ứng được cầu. 

Việc tăng giá vé máy bay đã ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của người dân. Nhiều người đã chuyển hướng từ du lịch nội địa sang du lịch quốc tế với mức giá được cho là hợp lý hơn.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 8/4, trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, các hãng hàng không đã cung ứng trung bình mỗi ngày 100.000 - 110.000 ghế trên các đường bay nội địa, tăng khoảng 20% so với lịch bay trung bình trong tháng 3.

Hiện tại, tỷ lệ đặt chỗ của hành khách vẫn ở mức trung bình trên tất cả các đường bay nội địa, chiều từ hai điểm đầu (Hà Nội, TP.HCM) đến các cảng hàng không, sân bay địa phương và cả chiều ngược lại, đa phần dao động trong khoảng 40 - 60%.

>>Nghịch lý giá vé máy bay tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ

Những năm gần đây, người dân đi du lịch có xu hướng “né” vé máy bay vào đúng dịp cao điểm. Vì vậy, nếu đi trước hoặc sau dịp lễ 30/4-1/5, du khách vẫn có thể có chuyến du lịch tiết kiệm.

Theo đó, giai đoạn trước nghỉ lễ, các chặng bay có tỷ lệ đặt chỗ cao như đường bay Hà Nội - Phú Quốc có giá vé thấp nhất là 2,2 triệu đồng (ngày 29.4), TP.HCM - Phú Quốc có giá vé thấp nhất là 1,5 triệu đồng (ngày 29/4), Hà Nội - Huế có giá vé thấp nhất là 1,4 triệu đồng (ngày 29/4), TP.HCM - Tuy Hòa có giá vé thấp nhất là 1,6 triệu đồng (ngày 26/4).

Đặc biệt, giai đoạn trong và sau nghỉ lễ, các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao như ngày 2/5, chặng bay Đồng Hới - TP.HCM có giá vé thấp nhất là 2,1 triệu đồng, Phú Quốc - TP.HCM có giá vé thấp nhất là 1,5 triệu đồng, Phú Quốc - Hà Nội có giá vé thấp nhất là 2,4 triệu đồng. Trên đường bay trục, chặng bay Hà Nội - TP.HCM và ngược lại của Vietjet Air có giá vé thấp nhất là 1,4 triệu đồng cho cả giai đoạn nghỉ lễ.

Mặt bằng chung mức giá mở bán (bao gồm thuế, phí) với các chuyến bay đầu TP.HCM chiều xuôi từ 1,423 triệu đồng/vé, chiều ngược từ 1,207 triệu đồng/vé trở lên. Đầu Hà Nội chiều xuôi từ 1,725 triệu đồng, chiều ngược từ 1,369 triệu đồng trở lên. Nhiều chặng bay từ TP.HCM đi, đến các điểm du lịch như Đà Lạt, Quy Nhơn, Cam Ranh đang có các mức giá từ 1,2 - 1,6 triệu đồng/vé.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tới hiện tại, trên các đường bay nội địa, cơ bản hành khách vẫn có thể đặt vé và có nhiều mức giá vé để lựa chọn phù hợp với điều kiện và nhu cầu di chuyển của mỗi hành khách. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đang xem xét việc điều chỉnh tăng tham số tại Cảng HKQT Nội Bài (từ 37 chuyến/giờ lên 42 chuyến/giờ khung giờ ngày) ngay trong tháng 4. Cùng với đó, điều chỉnh tăng tham số tại cảng HKQT Tân Sơn Nhất một số ngày cao điểm dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 (từ 44 chuyến/giờ lên 46 chuyến/giờ khung giờ ngày) để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ.

Hiện tại, các hãng hàng không cũng báo cáo về việc đang xây dựng kế hoạch bổ sung tải cung ứng trên các đường bay nội địa dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, trong đó Vietnam Airlines dự kiến tăng khoảng 30-40 chuyến bay/ngày và Vietjet Air tăng khoảng 80 chuyến bay/ngày.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng dịp lễ 30/4 và 1/5, đã yêu cầu các hãng hàng không duy trì tối đa đội bay, tăng cường bay đêm để bù đắp số lượng máy bay sụt giảm. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định. Và khuyến cáo hành khách mua vé trên kênh chính thức của các hãng và cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến cáo hành khách cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, thực hiện mua vé qua các kênh bán vé chính thức và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để có những sắp xếp, điều chỉnh phù hợp và lựa chọn được các mức giá vé hợp lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần các chương trình ưu đãi đặc biệt cho giá vé máy bay nội địa

    04:47, 09/04/2024

  • Giá vé máy bay tăng, áp lực cho doanh nghiệp du lịch

    02:00, 06/04/2024

  • Giá vé máy bay "cao chót vót" dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

    01:00, 26/03/2024

  • Giá vé máy bay nội địa cao: Đừng để “giá nổi, bèo chìm”

    04:30, 23/03/2024

  • Nghịch lý giá vé máy bay tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ

    15:23, 18/03/2024

HÀ THU