Thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
>>Quảng Ninh: Thúc đẩy tăng trưởng để phát triển kinh tế biển
Ngày 12/04/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ủy ban), chủ trì kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban kết hợp trực tuyến tại điểm cầu của 28 địa phương có biển.
Theo báo cáo, sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, năm 2022, GRDP của 28 tỉnh/thành hố ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2022 đạt 97,2 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước (96,6 triệu đồng).
Du lịch và dịch vụ biển có sự phát triển nhanh chóng, tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển, từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cao cấp.
Kinh tế hàng hải đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực vận tải ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá với đội tàu biển có 1.477 tàu có tổng trọng tải 11,6 triệu DWT, vận chuyển hàng năm trên 128 triệu tấn. Hệ thống cảng biển có 110 cảng với tổng năng lực thông qua trên 328,6 triệu tấn. Lĩnh vực dầu khí đóng góp năm khoảng 10% tổng thu ngân sách.
Ngành thuỷ sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất lớn. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2022 đạt 5,14 triệu tấn, khai thác 3,85 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8,8 tỷ USD lên gần 11 tỷ USD vào năm 2022.
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo đang được đẩy mạnh, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch được phê duyệt (18 khu đã được thành lập), thu hút 553 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 54,36 tỷ USD; 1.604 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1,37 triệu tỷ đồng.
>>Kinh tế biển Quảng Nam “khó” ở đâu?
>>Đưa Bến Tre thành khu kinh tế biển năng động
Mặc dù thời gian qua, nguồn lực nhà nước đã được đầu tư rất nhiều cho các công trình, dự án phục vụ kinh tế biển như các khu công nghiệp ven biển, sân bay, đô thị, hạ tầng giao thông, hành lang kinh tế… nhưng theo nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực tế nhiều chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết 36-NQ/TW chưa đạt được.
Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt từ nhận thức, tư duy và các giải pháp hiệu quả hơn. Hai vấn đề lớn cần tập trung là xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực đủ mạnh; đồng thời hình thành những mô hình, động lực mới cho kinh tế biển với những cơ chế chính sách đặc thù.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy hoạch, ưu tiên "các dự án đầu tư không hối tiếc", tập trung cho những ngành nghề mới trong lĩnh vực kinh tế biển.
Phát biểu kết luận kỳ họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban là chỉ đạo, điều phối cơ chế, chính sách pháp luật có tính liên ngành, liên vùng; nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Phó Thủ tướng cho rằng cần có những bộ chỉ số đánh giá thế nào là quốc gia mạnh về biển, bền vững về biển, các ngành kinh tế biển có lợi thế, có chuyển biến về nhận thức, chính sách liên quan đầu tư, tài chính, môi trường, huy động nguồn lực tổng hợp… từ đó lượng hóa, đo đếm được kết quả thực hiện những mục tiêu lớn, nhiệm vụ, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT (cơ quan thường trực của Ủy ban) khẩn trương tham mưu kiện toàn thành viên Ủy ban cũng như quy chế làm việc. Các bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm đề xuất những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm như: xây dựng bộ chỉ tiêu quốc gia về kinh tế biển; huy động nguồn lực; vận tải biển, logistics; nghiên cứu, điều tra tài nguyên môi trường biển; xây dựng đô thị biển; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị và thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển…
Trong thời gian tới, Ủy ban khẩn trương hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; các bộ chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Tại kỳ họp, các thành viên Ủy ban đã phân tích nguyên nhân của khó khăn, tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển như hoạt động khai thác, sử dụng biển; nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; việc xây dựng thể chế chính sách nhằm chuyển đổi, phát triển mô hình tăng trưởng xanh; cơ chế chính sách thu hút đầu tư; chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu khoa học…
Có thể bạn quan tâm
Quảng Trị: Kinh tế biên mậu “bứt tốc”
09:39, 08/02/2024
Quảng Ninh: Thúc đẩy tăng trưởng để phát triển kinh tế biển
08:20, 08/01/2024
Kinh tế biển Quảng Nam “khó” ở đâu?
01:15, 06/01/2024
Đưa Bến Tre thành khu kinh tế biển năng động
16:59, 14/12/2023