Ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi từ việc kích cầu đầu tư công trong năm 2024
Các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi từ việc kích cầu đầu tư công trong năm 2024, đặc biệt là các công ty sản xuất nhựa đường, thép và khai thác đá.
>>>Ngành vật liệu xây dựng vẫn chưa có điểm sáng
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số giá vật liệu xây dựng tháng 6/2023 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá cát và đá xây dựng biến động mạnh do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu xây dựng tăng cao (giá cát bình quân năm 2023 tăng 4,3%).
Theo Bộ Xây dựng, giá đá xây dựng trong quý 1I/2023 tăng 2,7% so với cuối năm 2022. Giá thép giảm mạnh trong quý II và quý III/2023 do tiêu dùng trong nước sụt giảm nghiêm trọng, cũng như thị trường bất động sản chưa ổn định. Đối với quý IV/2023, giá thép ghi nhận mức tăng nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào và giá thuê nhà tăng cao.
Giá các loại vật liệu xây dựng chính như cát, nhựa đường và đá đã tăng so với năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 do nhu cầu lớn từ các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã được triển khai đồng loạt trên khắp cả nước vào năm 2023.
Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi từ việc kích cầu đầu tư công trong năm 2024, đặc biệt là các công ty sản xuất nhựa đường, thép và khai thác đá.
Theo Guotai Junan Việt Nam, trong cơ cấu chi phí hạ tầng giao thông, chi phí sử dụng nhựa đường chiếm khoảng 35%, thép xây dựng chiếm 30%, xi măng và đá xây dựng đều khoảng 15%, phần còn lại là đất đắp và các chi phí khác (tính dựa trên quy định về chi phí dự phòng xây dựng theo Thông tư 09/2019/TT-BXD và cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc đã được triển khai trong giai đoạn 2015-2018).
Năm 2024 được coi là một năm quan trọng để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 và cũng bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2026 - 2030 (dự kiến sẽ có thêm 6 sân bay vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ có tổng cộng 31 sân bay).
“Những rào cản đầu tư của các năm trước đã được loại bỏ, quá trình ký kết hợp đồng đã được đấy nhanh, việc khai thác mỏ đất và đá mới đã được cấp phép,... Đội ngũ nghiên cứu của chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp trong ngành như nhựa đường, thép, đá và xi măng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này”, Guotai Junan Việt Nam nhận định.
Đối với Ngành thép, Guotai Junan Việt Nam dự báo, năm 2024 sản xuất và tiêu thụ thép của Việt Nam có thể đạt 29 triệu tấn và 21,6 triệu tấn, tăng lần lượt 6,7% và 7,4% so với năm 2023.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, HPG đứng đầu về thị phần cung cấp hai loại sản phẩm thép xây dựng và ống thép (nắm giữ 32,7% thị phần thép xây dựng, 29,5% thị phần ống thép) và đồng thời bỏ xa các đối thủ còn lại trong ngành.
Đối với sản phẩm thép mạ kẽm, HSG, TVP và NKG là ba "ông lớn" trong lĩnh vực này, đứng đầu là HSG, cung cấp 12,3% lượng thép mạ kẽm cho thị trường trong năm 2023. HSG cũng cung cấp một lượng lớn ống thép sau HPG.
Thép HRC và CRC chủ yếu được cung cấp bởi FHS và HPG với thị phần lần lượt là 38,1%, 24,2%. Dự kiến với kế hoạch xây dựng nhà máy Dung Quất 2 của HPG, sản lượng HRC sẽ tăng mạnh sau khi triển khai tối ưu hóa công suất dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 từ 4 triệu tấn lên 6 triệu tấn/năm, tổng công suất của Hòa Phát Dung Quất 1 và 2 là 11,6 triệu tấn/năm, tăng 48% công suất hiện tại.
Về xuất khẩu thép, đứng đầu là HPG với lượng xuất khẩu 1 triệu tấn HRC và 0,8 triệu tấn thép xây dựng. Theo sau là lượng xuất khẩu thép mạ với HSG xuất khẩu 0,7 triệu tấn và NKG là 0,5 triệu tấn.
Với Ngành nhựa đường, theo Guotai Junan Việt Nam, trên thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất nhựa đường chính bao gồm Công ty TNHH Cung ứng Nhựa Đường Cơ Bản (ADCo) (100% vốn nước ngoài), Công ty Thương mại Nhựa Đường ICT, Công ty TNHH MTV Nhựa đường Transmeco và Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLX), doanh nghiệp nhựa đường duy nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán và chiếm khoảng 30% thị phần nhựa đường của Việt Nam (số liệu được công bố năm 2021).
Giai đoạn 2023-2025 được dự báo là thời kỳ tăng trưởng cao của sản phẩm nhựa đường do tiến độ xây dựng và giải ngân vốn của các dự án giao thông chính được đấy nhanh, nhiều tuyến đường cao tốc sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian 30/4- 1/5, 2/9.
“Đối mặt với cơ hội trên, PLC sở hữu 7 nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa đường đồng bộ được phân bố rộng rãi trên khắp cả nước với một nhà máy cách nhau 300km. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ trở lại mức cao như trong năm 2022”, Guotai Junan Việt Nam nhận định.
Đối với Ngành đá, Guotai Junan Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông Vận tải ước tính nhu cầu đối với đá xây dựng trong giai đoạn 2023-2025 là khoảng 21,5 triệu m3. Cụ thể hơn, dự án sân bay Long Thành và Đường vành đai 3 TP.HCM dự kiến sử dụng lần lượt khoảng 2,04 triệu m3 và 5,2 triệu m3 đá xây dựng.
Công ty Chứng khoán này cho rằng, đá xây dựng là mặt hàng có giá trị thấp trên mỗi đơn vị thể tích sản phẩm, điều này dẫn đến chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng lớn trong giá bán. Do đó, các nhà thầu xây dựng sẽ ưu tiên mua đá từ các mỏ đá gần dự án để tối ưu hóa chi phí vận chuyển.
Đồng thời cho biết, mỏ đá Tân Cang - nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành, Đường vành đai 3 TP.HCM và một số dự án khác. Trong khi, mỏ đá Thạnh Phú - nguồn cung chính cho khu vực Tây Nam bộ với các dự án lớn như cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Hai mỏ đá trên đều được khai thác bởi VLB và DHA, đây cũng là hai doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hàng đầu trong ngành khai thác đá.
Có thể bạn quan tâm
Ngành vật liệu xây dựng vẫn chưa có điểm sáng
02:57, 03/04/2024
SACABUILD - Hội chợ đầu tiên của ngành vật liệu xây dựng
15:44, 01/04/2024
“Gỡ khó” cho doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng
03:30, 03/03/2024
Kỳ vọng cho vật liệu xây dựng: “Gỡ khó” cho ngành vật liệu xây dựng
19:56, 27/12/2023
“Gỡ khó” cho ngành vật liệu xây dựng
22:30, 24/12/2023