Hải Dương: Kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ

TRUNG THÀNH 16/04/2024 00:05

Việc nhiều dự án chậm triển khai, bị bỏ hoang là một sự lãng phí tài nguyên rất lớn, gây bức xúc trong dư luận. Trước thực tế này, Hải Dương sẽ kiên quyết xử lý những dự án chậm tiến độ.

>>>Hải Dương: Giải quyết dứt điểm một số dự án của doanh nghiệp trên địa bàn

Những dự án đầu tư luôn mang theo kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân khu vực quanh dự án. Nhưng khi dự án chậm triển khai, đất đai để lãng phí thì từ hy vọng sẽ khiến người dân thất vọng.

Theo UBND TP Hải Dương: Dự án Đầu tư nhà máy chế biến nông sản của Công ty CP Vinamit từng được người dân háo hức mong chờ. Thế nhưng 13 năm trôi qua, 35 ha đất nông nghiệp từng là bờ xôi ruộng mật của nông dân các phường Nam Đồng, Ái Quốc (TP Hải Dương) để thực hiện dự án vẫn là khu đất bỏ hoang. Chuyện này không mới, đã được nói nhiều lần song vẫn chưa có hồi kết.

Vốn là dự án lớn nghìn tỷ, được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi khi sớm bàn giao gần 10 ha đất được thu hồi từ người dân nhưng qua 5 năm nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương vẫn giậm chân tại chỗ. Điều đáng nói là TP Hải Dương phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của hàng chục hộ dân để có mặt bằng "sạch" cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Vì thế, khi dự án chậm triển khai không khỏi khiến người dân rất bức xúc. Được biết, chủ đầu đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh dự án nhưng từng đó thời gian trôi qua đã đánh mất niềm tin của nhiều người dân về dự án sản xuất đồ gỗ nội thất được quảng bá là quy mô bậc nhất Đông Nam Á này.

Theo Hội Doanh nghiệp tỉnh: Hải Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư. Thực tế chứng minh tỉnh được không ít doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và quyết định đầu tư. Tuy vậy, bên cạnh những dự án đầu tư hiệu quả thì vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Có dự án chậm tiến độ kéo dài, lãng phí nguồn lực đất đai, trở thành "điểm nóng" khiến dư luận bức xúc.

Sau 13 năm, dự án của Công ty CP Vinamit ở TP Hải Dương vẫn là khu đất trống (Ảnh: Báo Hải Dương)

Sau 13 năm, dự án của Công ty CP Vinamit ở TP Hải Dương vẫn là khu đất trống (Ảnh: Báo Hải Dương)

Trước tình trạng này, tỉnh quyết liệt xử lý dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định về đầu tư. UBND tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành rà soát các dự án ngoài khu công nghiệp. Tuỳ thuộc vào mức độ, hành vi vi phạm, đoàn liên ngành đề xuất phương án xử lý phù hợp, tuyệt đối không để dự án đầu tư từ động lực thành "hòn đá" ngáng đường phát triển.

Dự án chậm tiến độ kéo dài do nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía doanh nghiệp thì kiên quyết áp dụng biện pháp mạnh là chấm dứt hoạt động. Còn đối với những dự án chưa triển khai vì lý do khách quan, ảnh hưởng của dịch bệnh, thủ tục đầu tư thì xem xét phương án tháo gỡ. Tỉnh tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng cũng quyết liệt, dứt khoát với các nhà đầu tư trì hoãn kéo dài.

Qua thanh tra, kiểm tra, có 78 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá mức độ vi phạm để phân loại xử lý. Trong đó có 4 dự án thuộc diện chấm dứt hoạt động, 18 dự án phải xử lý vi phạm về đầu tư trước khi xem xét điều chỉnh đầu tư ( danh sách chi tiết), 42 dự án cho phép điều chỉnh đầu tư, 3 dự án phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản và 5 dự án giao cho cấp huyện xử lý trước khi đề xuất UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Việc phân loại thể hiện sự rõ ràng, công tâm của tỉnh trong xử lý các dự án vi phạm. Tìm được "thuốc đặc trị" và sử dụng đúng liều lượng sẽ là giải pháp hữu hiệu để chấm dứt những hệ luỵ kéo dài của các dự án chậm tiến độ.

Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, xử lý vi phạm tại 6 dự án ngoài khu công nghiệp của 5 chủ đầu tư. Theo kết quả rà soát các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài ở ngoài khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương chậm tiến độ và triển khai không bảo đảm quy định, toàn tỉnh có 6 dự án ngoài khu công nghiệp vi phạm về đất đai.

Trong số này, dự án "khủng" nhất là của Công ty CP Vinamit. Công ty này được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê 347.000 m2 đất ở các phường Ái Quốc và Nam Đồng (TP Hải Dương) vào năm 2008 để thực hiện Dự án Nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau củ quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Dù đã được tỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án nhiều lần song doanh nghiệp vẫn chưa triển khai. Hiện doanh nghiệp không đủ điều kiện gia hạn sử dụng đất.

Ở địa bàn huyện Nam Sách có 3 doanh nghiệp bị điểm danh. Đó là Công ty CP Gạch Thành Công NS được UBND tỉnh cho thuê 23.600 m2 đất tại xã Hiệp Cát (Nam Sách) để thực hiện Dự án Nhà máy gạch tuynel Thành Công vào tháng 3/2019. Tuy nhiên đến nay đất để trống, chưa xây dựng công trình.

Được biết: Công ty TNHH Hanh Thúy được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 4.000 m2 đất ở thị trấn Nam Sách từ năm 2013 để mở cơ sở đào tạo dạy nghề nông thôn. Trên diện tích đất được thuê, doanh nghiệp đã xây dựng một số hạng mục, công trình sử dụng vào mục đích sơ chế hàng nông sản, không đúng với nội dung được chấp thuận đầu tư. Công ty đã có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án nhưng hiện tại chưa được chấp thuận. Doanh nghiệp đang nợ hơn 450 triệu đồng tiền thuê đất hằng năm và gần 4 triệu đồng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Sở Tài Nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Vinamit (Ảnh Báo Hải Dương)

Sở Tài Nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Vinamit (Ảnh Báo Hải Dương)

Công ty CP Đầu tư và Giáo dục Ánh Dương được UBND tỉnh giao đất để thực hiện 2 dự án giáo dục. Đó là Dự án Trường Mầm non Sunshine I ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) được bàn giao 1.750,4 m2 đất ngoài thực địa từ tháng 7/2019. Dự án thứ hai của doanh nghiệp này là Trường Mầm non Sunshine II được giao 1.500 m2 ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) từ tháng 9/2019. Hiện 2 khu vực này vẫn để trống, chưa xây dựng công trình.

Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tuấn Long được tỉnh cho thuê 66.324,8 m2 đất ở các xã Ngũ Phúc, Kim Đính (Kim Thành) vào năm 2017, giao đất ngoài thực địa từ tháng 5/2018. Doanh nghiệp nợ gần 711 triệu đồng tiền thuê đất hằng năm và gần 17 triệu đồng tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Công ty chưa thực hiện Dự án Cơ sở kinh doanh dịch vụ và nuôi thủy sản trên diện tích đất cho thuê. Doanh nghiệp đã có văn bản trả lại diện tích đất trên và UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi.

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thông báo hành vi vi phạm đất đai đối với 2 Công ty CP: Gạch Thành Công NS, Đầu tư và Giáo dục Ánh Dương. Đồng thời yêu cầu 2 doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo phương án sử dụng đất, phương án thi công dự án và đề nghị gia hạn thời gian sử dụng đất nếu tiếp tục thực hiện…

Với Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tuấn Long phải nộp đầy đủ tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp còn thiếu. Xem xét, xử lý vi phạm về đầu tư không đúng mục đích và tiếp tục đề xuất điều chỉnh dự án, đôn đốc thu hồi nợ thuế đối với Công ty TNHH Hanh Thúy. Riêng Công ty CP Vinamit đề nghị không gia hạn thời hạn sử dụng đất và thực hiện thủ tục thu hồi đất của doanh nghiệp này.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Gấp rút chuẩn bị nhiều dự án đầu tư công

    Hải Dương: Gấp rút chuẩn bị nhiều dự án đầu tư công

    18:55, 15/04/2024

  • Đông Nam Á cần làm gì để

    Đông Nam Á cần làm gì để "khơi thông" vốn đầu tư xanh?

    18:47, 15/04/2024

  • Khơi thông kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp

    Khơi thông kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp

    17:47, 15/04/2024

TRUNG THÀNH