Linh thiêng đất Tổ

PHẠM TUẤN 18/04/2024 05:00

Người Việt Nam cứ đến tháng 3 âm lịch lại hướng về miền đất Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ - nơi có ngày giỗ tổ Hùng Vương có lễ hội Đền Hùng.

>>Giỗ Tổ Hùng Vương: Nhớ ơn tổ tiên

Con người sinh ra cần biết nguồn biết cội như cây mọc lên từ đất, suối bắt đầu từ nguồn. Người Việt Nam cứ đến tháng 3 âm lịch lại hướng về miền đất Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ - nơi có ngày giỗ tổ Hùng Vương có lễ hội Đền Hùng.

Câu ca:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba
Khắp nơi truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

cứ ngân nga, vang vọng trong lòng người dân đất Việt. Nhớ ngày giỗ Tổ không chỉ là ngày ngưỡng vọng thành kính nhớ về công ơn ông cha trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nhớ ngày giỗ Tổ còn mang niềm tự hào về nguồn gốc dân tộc, là hiện thân của lòng yêu nước, yêu thương đồng bào, thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt gắn kết bao thế hệ người dân thành sự đoàn kết, đồng lòng khi trong tâm thức luôn mang ý niệm: Chúng ta là cây chung một gốc, là con chung một nhà.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn – 2024 sẽ diễn ra từ ngày 09/4 đến hết ngày 18/4 (tức từ mùng 01/3 đến hết mùng 10/3) tại thành phố Việt Trì, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn – 2024 sẽ diễn ra từ ngày 09/4 đến hết ngày 18/4 (tức từ mùng 01/3 đến hết mùng 10/3) tại thành phố Việt Trì, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ. Ảnh: chinhphu.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng viết trong bài thơ Lịch Sử nước ta:

“Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”.

Ngày giỗ Tổ đi vào thi ca, văn học, thành đề tài truyền cảm hứng cho thế hệ nối tiếp thế hệ ghi nhớ trân trọng và tự hào về cội nguồn của mình. Thế hệ sinh ra sau ngày giải phóng đất nước 30 tháng 4 năm 1975 đến giờ vẫn nhớ những áng văn thơ trong sách giáo khoa nói về ngày giỗ Tổ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, chương “Đất nước” chúng tôi từng được đọc:

“Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

Còn trong sách thời tiểu học thời chúng tôi chỉ quanh quẩn sau luỹ tre làng đã từng mơ một ngày đến ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh, được thăm viếng Đền Hùng với bài tập đọc “Phong cảnh đền Hùng”.

Bọn trẻ chúng tôi từng cầm sách say sưa đọc trước lớp những dòng:

“Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xoè hoa…”.

Lớn lên có điều kiện tôi mới về thăm đất Tổ. Thật vui khi thấy giao thông giờ thật thuận lợi, từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai rẽ vào Phú Thọ chạy một lát là tới đền Hùng. Mỗi lần đến là một lần thấy Phú Thọ thay da đổi thịt, những con đường cứ được rộng mở thêm xe chạy bon bon trên đường trung du trập trùng đồi núi. Chỉ có cảnh quan tự nhiên nơi đền Hùng là vẫn được gìn giữ, bảo tồn rất tốt, xe điện đón trung chuyển từ bến xe đưa khách thăm viếng đất Tổ vào đến chân núi. Men theo các bậc đá chắc chắn ngược lên đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, khách thấy không khí linh thiêng trang nghiêm của ngọn núi nơi đất Tổ. Nhiều cây cổ thụ rêu phong, thảm thực vật phong phú, trước cửa đền có những cây thiên tuế, vạn tuế, cây đại lâu năm có dáng hình kỳ lạ.

Từng bước chân như đi ngược dòng lịch sử về với ngày xưa, với khung cảnh núi rừng hoang sơ mà thanh sạch. Lễ hội đền Hùng tổ chức hàng năm với quy mô Quốc giỗ thu hút lượng người tham gia đông đảo với nhiều hoạt động mang tính truyền thống có giá trị phi vật thể rất cao.

>>Giỗ Tổ Hùng Vương, giới trẻ và lòng biết ơn

Ngày 6 tháng 12 năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc tỉnh Phú Thọ, Việt Nam tự hào được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày Quốc giỗ của Việt Nam đã được thế giới công nhận, miền đất phát tích của Tổ tiên nguồn gốc người Việt nhuốm màu huyền thoại, tôn vinh thêm giá trị của chốn cội nguồn linh thiêng.

Du khách về thăm Đền Hùng

Đền Hùng thu hút khách viếng thăm. Ảnh: Phạm Tuấn

Đền Hùng thu hút khách viếng thăm không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên, hay đặc sản truyền thống như bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, bánh dày, bánh chè lam, củ mài… mà còn từ kiến trúc đậm nét văn hoá truyền thống của người Việt, với mái đao cong cong, đường nét chạm trổ rất có hồn cùng vật liệu gỗ, đá, đất nung. Giá trị kiến trúc hài hoà tương xứng với cảnh sắc thiên nhiên được bảo tồn giúp khách viếng thăm như đi theo dòng lịch sử.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7 tháng 5 năm 1954 của quân đội Việt Nam “chân trần chí thép”, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội… từ Việt Bắc về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Sáng ngày 19 tháng 9 năm 1954, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại nơi đất Tổ linh thiêng, cạnh đền Giếng - nơi có giếng Ngọc huyền thoại, bốn mùa ăm ắp dòng nước trong mát, ngọt ngào, trong đó có câu nói trở thành bất hủ:

“Các vua Hùng có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Về với đất Tổ linh thiêng, mỗi người dân Việt Nam tự hào hơn về truyền thống, về cội nguồn dân tộc, thêm yêu đất nước quê hương, nơi thắm nghĩa đồng bào với dòng giống con Lạc, cháu Hồng… các dân tộc là anh em một nhà đều từ trăm trứng nở trăm con.

Có thể bạn quan tâm

  • Giỗ Tổ Hùng Vương: Nhớ ơn tổ tiên

    05:00, 29/04/2023

  • Chủ quyền văn hóa nhìn từ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    03:00, 29/04/2023

  • Giỗ Tổ Hùng Vương, giới trẻ và lòng biết ơn

    04:30, 10/04/2022

PHẠM TUẤN