Kích cầu du lịch phải quan tâm tới trải nghiệm của du khách
Đó là ý kiến của ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tại họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch 2024 của tỉnh Quảng Nam.
>>Giá vé máy bay tăng, áp lực cho doanh nghiệp du lịch
Cụ thể, ông Hà Văn siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hồi phục du lịch sau giai đoạn dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thông tin từ vị này, trong 3 tháng đầu năm 2024 ngành du lịch Việt Namđã phục hồi đáng kể với việc đón hơn 4,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 30 triệu lượt khách nội địa.
Theo ông Siêu, khách du lịch quốc tế đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng khách nội địa đã chững lại vì nhiều nguyên nhân. Với chương trình kích cầu du lịch thì thị trường nội địa là đối tượng trọng tâm, cần được quan tâm và đẩy mạnh thông điệp người Việt Nam đi du lịch Việt Nam,...
“Các chương trình kích cầu phải ngấm sâu vào hành động, việc Quảng Nam kích cầu du lịch với 2 phần rõ ràng, đưa ra hình ảnh Quảng Nam hấp dẫn về sản phẩm du lịch qua các mùa. Những thông điệp mời gọi được thực hiện với đối tượng khách khác nhau, cùng với đó là ký kết, cam kết giữa chính quyền Quảng Nam với doanh nghiệp qua đó gia tăng ưu đãi từ cam kết mạnh mẽ giữa các bên. Từ đó đưa ra gói sản phẩm kích cầu, gợi ra cho du khách, công ty du lịch lữ hành xây dựng và tham gia vào sản phẩm”, ông Siêu nói.
Theo vị này, sau ký kết doanh nghiệp và địa phương cần triển khai hành động ngay và các gói kích cầu, ưu đãi sẽ là động lực để ngành du lịch phục hồi trở lại. Về ý kiến đề xuất, ông Siêu cho rằng kích cầu phải quan tâm hơn đến khách du lịch, coi trải nghiệm của du khách là trung tâm.
“Phương châm quan trọng là gia tăng được giá trị trong mỗi chương trình kích cầu, chứ không phải chỉ là giảm giá. Mà là đa dạng sản phẩm, thêm sản phẩm mới, tăng trải nghiệm, giá cả cạnh tranh,... nhờ ưu đãi, tinh chỉnh, nhờ kết nối để tạo ra hiệu ứng tổng thể kéo khách đến địa phương. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, xúc tiến du lịch. Chính quyền địa phương phải huy động doanh nghiệp tham gia vào xúc tiến du lịch.
Giá hàng không tăng, nhưng khách ở lại lưu trú lâu hơn, trải nghiệm, chi tiêu nhiều hơn cũng sẽ đóng góp cho sự phục hồi của ngành du lịch. Quan trọng là tỷ lệ lấp đầy, công suất phòng tăng, điểm đến “đắt khách” là kết quả mong muốn của mỗi chương trình kích cầu. Và chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Nam chính là quảng bá tại chỗ, làm sao để khách đến, trải nghiệm xong trở về lại quảng bá để người mới đến với Quảng Nam trải nghiệm”, ông Hà Văn Siêu đề xuất.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin qua nhiều nhiệm kỳ của lãnh đạo, Quảng Nam luôn đưa thương mại dịch vụ du lịch là trụ cột phát triển kinh tế. Theo đó, Quảng Nam quyết làm làm du lịch dịch vụ, thương mại làm trụ cột và đánh đổi bằng tâm huyết của hệ thống chính trị.
“UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương tháng 12 tới sẽ có một Hội nghị du lịch nông nghiệp quốc tế tại địa phương. Sẽ có trên 500 đại biểu thông thạo du lịch nông nghiệp trên thế giới về tham dự. Và Quảng Nam sắp tới sẽ có cảng 5 vạn tấn, có thể đón tàu du lịch cỡ lớn, sẽ là động lực cho du lịch địa phương. Cùng với đó là mở rộng QL 14D kết nối với Lào. Về đường thủy và đường bộ phục vụ du lịch sẽ được địa phương sớm triển khai”, ông Bửu cho biết.
Theo ông Võ Quang Liên Kha – Phó Tổng giám đốc Vietravel hiện nay các sản phẩm về du lịch ở Quảng Nam rất nhiều, đa mảng tuy nhiên chưa có tính quốc gia, quốc tế. Theo ông Kha, Sở VH-TT&DL Quảng Nam cần tính toán lại các sản phẩm du lịch thể thao, tổ chức các giải golf mang tầm quốc gia và sau đó là quốc tế.
“Hiện nay, các sản phẩm du lịch thể thao đang có chiều hướng phát triển tích cực và mang lại hiệu quả rất cao. Về sự kiện âm nhạc, các ban nhạc nổi tiếng thế giới mang lại doanh số khủng. Với thương hiệu của Hội An có nên tính toán để đem về được hay không? Cùng với đó là đem lễ cưới của các tỷ phú về địa phương”, ông Kha kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm