“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 3 – Rầm rộ phong trào… “bóc phốt”
“Chúng ta đang sống ở trong một "nền kinh tế chú ý" và sự chú ý của người khác có thể mang lại tài chính, danh vọng cho một cá nhân, vì những nguồn lợi từ nghề sáng tạo nội dung trên mạng…”.
Đây là chia sẻ của chuyên gia tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam xung quanh câu chuyện về mặt trái của giới kinh doanh online hiện nay. Vị chuyên gia cho biết, ngày càng có nhiều người trẻ bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, phản cảm, hay thậm chí là lệch lạc để thu hút được người xem. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại.
>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền
Thực tế những năm gần đây, mạng xã hội “bùng nổ” một cách nhanh chóng là điều kiện thuận lợi để nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh online sử dụng cách livestream (phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội) để bán hàng, quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, để câu kéo người xem, không ít người sẵn sàng dùng mọi chiêu trò từ “lố bịch” đến phản cảm, bất chấp đạo đức và quy định của pháp luật.
Tâm điểm dư luận những ngày gần đây là chuyện một một Tiktoker bán quạt điện có tên “Vua quạt” với nhiều cuộc livestream sử dụng lời lẽ công kích, bôi nhọ báo chí và những người làm báo. Sự việc đến đỉnh điểm khi lực lượng công an đến làm việc cũng bị người này “livestream” chửi bới, xúc phạm với thái độ thách thức, sự việc này đã thu hút hàng chục nghìn người theo dõi trực tiếp. Và cũng chỉ trong vài ngày, một số video đăng tải trên tài khoản Tiktok có tên “Vua quạt” với nội dung thoá mạ, chửi bới một phóng viên cũng thu hút được hàng triệu lượt xem.
Còn nhớ cách đây không lâu, mạng xã hội từng dậy sóng với những màn “bóc phốt” showbiz của Hoa khôi Nam Em. Cụ thể, người đẹp này liên tiếp tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội, gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, không ngại tiết lộ góc khuất showbiz…
Những nội dung phát ngôn gây tranh cãi của Nam Em dù chưa được kiểm chứng nhưng đã gây ồn ào mạng xã hội và tạo ra nhiều thông tin tiêu cực. Vào ngày 1/3/2024 vừa qua, Sở TT-TT TP.HCM đã quyết định xử phạt hành chính người đẹp này với tổng mức phạt 37,5 triệu đồng.
>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng
Và không chỉ giới showbiz, những cuộc “bóc phốt” nhau trên mạng xã hội cũng trở nên rầm rộ hơn khi chuyện gì người ta cũng có thể đưa lên mạng: từ tranh cãi về quan điểm, cho rằng bị người khác chèn ép, phản ánh chất lượng phục vụ của một dịch vụ nào đó... cho đến những chuyện riêng tư trong yêu đương, mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, anh em họ hàng, bạn bè, hàng xóm… chỉ cần không hài lòng là có thể đưa lên “đấu tố” cho hả cơn giận. Và dù những thông tin mới chỉ một chiều, chưa kiểm chứng nhưng các bài “tố” này thường nhận được lượt xem, chia sẻ rất cao, người bình luận, bàn tán bên trong các bài viết cũng tăng liên tục.
Bình luận về nội dung này, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros) cho rằng, những nội dung trên mạng với ngôn từ xấc xược, thậm chí văng tục thường thu hút hơn so với câu chuyện tích cực. Hiện nay, nhiều người sống bằng cách sử dụng các nền tảng công nghệ để kiếm tiền. Càng đông người xem đồng nghĩa càng kiếm được nhiều. Bởi vậy, không ít cá nhân đang bất chấp nguyên tắc đạo đức để sử dụng mạng xã hội như công cụ nhằm kiếm chác.
Điều đáng nói theo vị chuyên gia này, việc bình luận, chửi bới trên mạng đã làm tổn hại không nhỏ tới uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức, gây thiệt rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt những bài đăng bóc phốt ngoại tình, tiểu tam cướp chồng, ăn cắp ở cửa hàng… kèm theo clip hay hình ảnh nhạy cảm làm bằng chứng luôn là một trong những nội dung được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội. Sau những bài đăng này, luôn có những người trở thành tội đồ, bị hàng vạn người xâu xé, làm nhục bằng những lời lăng mạ dù sự thực chưa rõ ràng.
Cũng theo ông Vinh, nguy hiểm hơn, do bị "ném đá" hội đồng, có nạn nhân đã trở nên trầm cảm, không dám tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Có người quá bức xúc nảy sinh ý định tự tử. Những con chữ từ bàn phím rất có thể trở thành vũ khí phá nát cuộc đời, cuộc sống của người khác. Đặc biệt, giới trẻ là đối tượng ít có khả năng miễn nhiễm với những tấn công trên mạng xã hội bằng ngôn từ, nên chịu tác động tâm lý vô cùng lớn.
Tiếp tục câu chuyện về Tiktoker kinh doanh online có tên “Vua quạt” khiến nhiều người phẫn nộ mới đây, dư luận cho rằng, chưa biết cơ quan chức năng sẽ xử phạt cơ sở kinh doanh của Tiktoker này ra sao? Cũng chưa rõ những hành vi “ngông cuồng” của người này sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Nhưng “Vua quạt” hãy cân nhắc và lựa chọn, đừng bất chấp để rồi phải trả giá. Nên nhớ, cơn "lên đồng" của một nhóm người trong thế giới ảo sẽ chẳng đại diện cho tiếng nói công lý, lại càng không nhân danh chính nghĩa. Do đó, “Vua quạt” đừng để ánh hào quang làm mờ mắt, để rồi mãi ảo tưởng quyền lực của một “ông vua” không có ở ngoài đời!
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm