Tổ chức đấu thầu vàng miếng có giúp bình ổn thị trường vàng?
Mặc dù các cuộc đấu thầu vàng của NHNN là biện pháp ngắn hạn hiệu quả để ổn định thị trường vàng, nhưng chưa thể giải quyết được các vấn đề căn cơ dẫn đến mất ổn định thị trường.
>>Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo về việc cơ quan này dự kiến tổ chức đấu thầu vàng miếng trong tuần này nhằm tăng cung cho thị trường và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, NHNN mới tổ chức lại các phiên đấu thầu vàng miếng. Xoay quanh chủ đề này, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT.
- Việc tổ chức đấu thấu vàng miếng của NHNN được kỳ vọng sẽ giúp bình ổn thị trường vàng Việt Nam, ông có nhận định thế nào về sự kiện này?
Môi trường kinh tế và địa chính trị toàn cầu đã khiến giá vàng thế giới tăng nhanh liên tục trong thời gian gần đây. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong hai tháng đầu năm 2024, các ngân hàng trung ương toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Nga tiếp tục tích lũy vàng, trong đó Trung Quốc ghi nhận lượng mua ròng lớn nhất.
Hành động tích lũy của các ngân hàng trung ương, cùng với những căng thẳng gần đây ở Trung Đông, chẳng hạn như sự cố ở Syria liên quan đến hành động quân sự của Israel và vụ trả đũa của Iran, đã đẩy giá vàng lên đỉnh điểm vào tháng 04/2024. Trong quá khứ, những bất ổn địa chính trị như vậy là một trong những nguyên nhân chính giải thích cho việc tăng giá vàng.
Ở Việt Nam, có sự chênh lệch đáng chú ý giữa giá vàng trong nước và thế giới. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết xấp xỉ 72 - 74 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC tại Việt Nam cao hơn giá thế giới 11 - 12 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 9999 cao hơn khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và quốc tế đã cho thấy sự thiếu hiệu quả tiềm tàng của thị trường hoặc hạn chế về nguồn cung trong nước.
Tôi nhận định rằng việc đấu thầu vàng miếng sắp tới của NHNN Việt Nam sẽ giúp giải quyết sự chênh lệch giá đáng kể giữa thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
NHNN nắm giữ một lượng vàng dự trữ đáng kể, cho phép can thiệp thị trường ngay lập tức. Tính đến tháng 12/2023, NHNN đã xem xét lại quy trình đấu giá của mình, hướng tới việc sẽ đấu thầu từ 5.000 - 10.000 lượng vàng mỗi phiên để hạ nhiệt thị trường. Cách làm này được coi là giải pháp nhanh hơn so với việc nhập vàng thô, có thể mất khoảng một tháng để thực hiện. Bằng cách bơm vàng vào thị trường thông qua đấu giá, NHNN nhằm mục đích tăng nguồn cung, do đó có khả năng hạ thấp hoặc ổn định giá trong nước gần với mức toàn cầu. Chiến lược này có thể giảm thiểu việc tích trữ đầu cơ và giảm sự biến động do sự khan hiếm vàng vật chất trên thị trường địa phương.
Theo quan điểm cá nhân tôi, với tình hình hiện tại, NHNN nên sử dụng dự trữ vàng để đấu giá thay vì nhập khẩu vàng. Nhập khẩu số lượng lớn vàng làm tăng nhu cầu USD, có thể khiến cho vấn đề tỷ giá USD/VND trở nên trầm trọng hơn. Sự gia tăng nhu cầu này có thể dẫn đến sự mất giá của đồng Việt Nam, vì nó làm tăng dòng tiền chảy ra ngoài để đổi lấy ngoại tệ. Điều này sẽ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, làm tăng chi phí nhập khẩu nói chung và có khả năng gây ra lạm phát.
>>Giá vàng trong nước giảm mạnh sau thông tin tăng nguồn cung vàng miếng
- Theo ông, phiên đấu giá của 11 năm trước và hiện tại có gì giống và khác nhau?
Việc đấu thầu vàng do NHNN Việt Nam thực hiện năm 2013 và năm 2024 hiện nay cho thấy một số điểm tương đồng và khác biệt do bối cảnh kinh tế vĩ mô và các mục tiêu chiến lược đã thay đổi trong những năm qua.
Cả năm 2013 và 2024, mục tiêu cơ bản của đấu giá vàng là ổn định thị trường vàng trong nước. Trọng tâm chính của NHNN luôn là tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu thực tế trên thị trường.
Trong cả hai giai đoạn, các cuộc đấu giá đều là phản ứng trước sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mặc dù trong các điều kiện thị trường khác nhau. Cách tiếp cận sử dụng đấu giá như một công cụ để tác động đến động lực cung và cầu của thị trường vàng vẫn là chiến lược nhất quán của NHNN.
Tuy nhiên, một số điểm khác biệt có thể kể đến như: Thứnhất, năm 2013, giá vàng thế giới có xu hướng giảm, giá vàng Việt Nam cao hơn giá thế giới. Đấu thầu vàng lúc bấy giờ nhằm mục đích tăng nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế về vàng, đặc biệt là để các ngân hàng thương mại đóng trạng thái âm.
Đã có tổng cộng 76 phiên đấu giá, NHNN bán được khoảng 1.819.900 lượng vàng (khoảng 70 tấn), trị giá 3 tỷ USD. Ngược lại, kịch bản năm 2024 xảy ra trong môi trường giá vàng toàn cầu tăng cao, điều này làm thay đổi động lực cung cầu cũng như những cân nhắc chiến lược của NHNN.
Thứhai, áp lực tỷ giá ở hai giai đoạn cũng là một điểm khác biệt đáng kể. Năm 2024, chỉ số đô la Mỹ (DXY) tăng cao và ngày càng mạnh, hàm ý áp lực tỷ giá mạnh hơn lên đồng Việt Nam. Điều này trái ngược với kịch bản năm 2013, khi DXY tương đối thấp, cho thấy áp lực từ bên ngoài lên tỷ giá hối đoái ít hơn. Đồng USD mạnh lên vào năm 2024 có thể tác động mạnh đến dự trữ ngoại hối của NHNN khi nhập khẩu vàng, từ đó ảnh hưởng đến tính khả thi và chi phí liên quan đến việc sử dụng vàng nhập khẩu để ổn định thị trường.
- Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, mà chúng ta cần giải pháp dài hạn, căn cơ hơn, vậy giải pháp ở đây là gì, thưa ông?
Mặc dù các cuộc đấu thầu vàng của NHNN là biện pháp ngắn hạn hiệu quả để ổn định thị trường vàng, nhưng chưa thể giải quyết được các vấn đề căn cơ dẫn đến mất ổn định thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp lâu dài, căn bản hơn để đảm bảo sự ổn định và minh bạch bền vững trên thị trường vàng Việt Nam.
Một là, tăng cường thực thi pháp luật để xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu vàng, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường và tích trữ vàng để tăng giá giả tạo là rất quan trọng. Những hoạt động này gây bất ổn cho thị trường và tạo ra sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Việc thực thi hiệu quả sẽ làm giảm bớt những hành vi này, góp phần ổn định thị trường.
Hai là, tình trạng độc quyền nhà nước hiện nay trong sản xuất vàng miếng được xác định là yếu tố chính góp phần đẩy giá vàng trong nước lên cao. Việc loại bỏ tình trạng độc quyền này có thể khiến giá vàng ngay lập tức giảm vài triệu đồng một lượng. Bằng cách cho phép cạnh tranh nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất vàng miếng, điều này có thể sẽ dẫn đến giá cả cạnh tranh hơn và giảm chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Ba là, đưa nhiều doanh nghiệp được cấp phép vào lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu vàng có thể tăng nguồn cung, giảm giá và điều chỉnh giá chặt chẽ hơn với giá quốc tế. Điều này không chỉ làm cho thị trường trở nên cạnh tranh hơn mà còn minh bạch hơn. Việc cho phép nhiều người tham gia hơn vào thị trường vàng có thể giúp chống buôn lậu vàng do các doanh nghiệp sẽ có nhiều cách hợp pháp cho việc nhập khẩu và phân phối, từ đó có thể làm giảm các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến buôn bán vàng.
Mặc dù việc chấm dứt độc quyền là rất quan trọng nhưng điều quan trọng là việc này không dẫn đến một thị trường hoàn toàn không được kiểm soát. Duy trì một số mức độ giám sát quy định là cần thiết để tránh "vàng hóa" nền kinh tế - nơi vàng trở thành một dạng tiền tệ chiếm ưu thế, có thể gây bất ổn cho đồng tiền và nền kinh tế quốc gia. Các quy định minh bạch và công bằng sẽ đảm bảo thị trường không chỉ tự do mà còn công bằng và ổn định.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
05:30, 15/04/2024
Giá vàng tuần tới: Hé lộ “đòn bẩy” khó lường
04:20, 14/04/2024
Giá vàng trong nước giảm mạnh sau thông tin tăng nguồn cung vàng miếng
10:03, 13/04/2024
Ngân hàng Nhà nước: Sẽ tăng cung để xử lý chênh lệch giá vàng miếng
13:32, 12/04/2024
Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu
11:00, 10/04/2024