Hà Nội trông xe không dùng tiền mặt: Tiền công sẽ không vào túi tư

NHẬT QUANG 19/04/2024 05:00

Người dân chắc chắn sẽ ủng hộ cách làm mới này vì họ biết được số tiền họ trả sẽ vào ngân sách nhà nước.

>>Điều chỉnh phí trông xe ô tô tại chung cư: Làm sao để hài hòa lợi ích?

Dân ngoại tỉnh như tôi mỗi lần lái xe vào nội đô Hà Nội là một lần hồi hộp. Mật độ giao thông đông đúc, để ý bản đồ thì lo va quệt, rời mắt thì đi qua điểm rẽ, quay được lại là cả vấn đề.

Bên cạnh đó, còn nỗi lo thường trực là tìm chỗ đỗ xe. Chọn gửi xe ở ven đô đi taxi thì bất tiện về đồ đạc hành lý, lại không chủ động được thời gian, còn gửi vào tầng hầm chung cư, trung tâm thương mại thì phí đắt.

Do đó, khi có thông tin về việc Hà Nội có đề án gửi xe không thanh toán tiền mặt thì người ngoại tỉnh như tôi rất phấn khởi, không còn cảnh phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ hay nhận cả tập tiền lẻ ở bốt thu phí.

Ảnh: toquoc.vnHà Nội chính thức thí điểm giữ xe không dùng tiền mặt: Hà Ảnh: toquoc.vn

Hà Nội chính thức thí điểm giữ xe không dùng tiền mặt: Ảnh: toquoc.vn

Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, trung tâm chính trị, văn hoá và kinh tế của cả nước. Những gì mới, tiến bộ, văn minh, khoa học công nghệ, kỹ thuật số... cần được sử dụng trước tiên để xây dựng thủ đô thành hình mẫu đô thị thông minh.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chọn Hà Nội để áp dụng mô hình quản lý dịch vụ trông giữ xe không thanh toán tiền mặt, thí điểm trong năm 2024 tại quận Tây Hồ. Các điểm trông giữ ô tô, xe máy tới thăm viếng phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc sẽ niêm yết giá trông giữ xe công khai không thanh toán tiền mặt. Như vậy sẽ chống được thất thu ngân sách, dễ dàng cho công tác quản lý dữ liệu dân cư cũng như quản lý nhà nước.

Người dân chắc chắn sẽ ủng hộ cách làm mới này vì họ biết được số tiền họ trả sẽ vào ngân sách nhà nước. Hơn nữa họ sẽ không còn là nạn nhân của nạn chặt chém giá trông giữ xe vào dịp cao điểm lễ tết, gửi xe mà ấm ức như bị móc túi, ăn chặn mà không biết kêu ai.

Hà Nội có tới 57 bãi đỗ xe ở tầng hầm các trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học và hơn 600 điểm đỗ xe dưới lòng đường. Với số lượng ô tô, xe máy của Hà Nội, khách vãng lai thì số điểm đỗ này còn thiếu và yếu về hạ tầng, nhưng số tiền thu về thì không hề nhỏ.

Ở những tầng hầm chung cư cao cấp, giá gửi xe ô tô là 20 ngàn cho một giờ gửi xe, ở điểm ngoài trời thì qua đêm chỗ rẻ cũng 50 ngàn, chỗ đắt thì 100 ngàn cho một đêm gửi ô tô. Số tiền gửi xe thu được hàng ngày rất lớn và phần lớn đó là tiền mặt.

Số tiền đó có được là từ việc khai thác tài sản công nhưng thực sự vào được ngân sách được quản lý được sử dụng ra sao thì lại là một câu hỏi tu từ.

Công ty TNHH MTV đang khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, hiện đang quản lý tầm 40% số điểm đỗ xe được cấp phép, đã hoàn tất đề án triển khai thu phí trông ô tô, xe máy không dùng tiền mặt. Đầu tiên sẽ thí điểm tại 8 địa điểm trông giữ xe ô tô ở trục Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo,  Lý thường Kiệt. Với xe máy, áp dụng tại đường Bà Triệu, và điểm trông xe trước Viện Mắt trung ương.

Chắc chắn đề án này sẽ giảm bớt thời gian cũng như sự lộn xộn khi gửi, trông giữ, thu phí, cả lợi ích nhóm phát sinh từ những điểm trông giữ này.

Hoàn toàn khác với việc thu hồi vỉa hè, đề án này không xung đột với lợi ích kinh tế, sự mưu sinh của người dân đang sinh sống với “nền kinh tế vỉa hè”, mà đảm bảo được sự công bằng, minh bạch cho khoản phí gửi xe. Khó khăn bất cập nếu có chắc chắn sẽ được người dân hợp tác cùng giải quyết.

Trước đây, việc thu phí tự động  ETC trên các tuyến đường cao tốc khi mới ra đời còn gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhưng bằng sự quyết tâm từ chính quyền, sự ủng hộ của người dân, việc thu phí không dừng tại các tuyến cao tốc thành công, cùng sự tiện lợi, nhanh chóng, chính xác.

Không còn cảnh xe tải xếp hàng dài trong đêm để thông đồng với nhân viên soát vé chia nhau phí qua trạm. Việc chỉ cho phép xe gắn thẻ Epass của Viettel hay VETC lưu thông trên các tuyến cao tốc đã kiểm soát quản lý chặt chẽ được nguồn thu của nhà đầu tư, chống mọi gian lận, tiêu cực phát sinh tại các trạm thu phí. Đề án này, ETC khó khăn hơn nhiều mà còn thực hiện được, thì việc thu phí không dùng tiền mặt hoàn toàn khả thi về mọi mặt.

Điểm trông giữ sẽ lập trạm có camera nhận diện biển số, quét mã QR thanh toán, tự động đóng mở barie khi xe ra vào. Nếu tích hợp được cùng công nghệ RFID nhận diện biển số và đọc mã của thẻ dán Epass hoặc VETC thì thật tiện lợi, phí gửi sẽ tự động trừ đi số dư tài khoản mà người gửi xe không cần phải làm bất cứ việc gì, ngoài việc tìm thông tin chỗ đỗ còn trống để gửi xe. Ở điểm ngoài trời lòng đường, nhân viên kiểm soát sử dụng máy quét Barcode với cách làm tương tự là đảm bảo chính xác.

Không dùng tiền mặt rất khó phát sinh tiêu cực, nếu cần chống việc thông đồng giữa nhân viên đọc mã và lái xe, khi họ thoả thuận giá gửi thấp hơn giá quy định và thanh toán ăn chia bằng tiền mặt thì chỉ cần lắp camera giám sát kèm bộ đếm phương tiện là hệ thống sẽ báo bất thường khi số tiền thu không khớp với lượng xe và thời gian gửi, tố cáo hành động gian lận.

Một số ý kiến phản đối đề án này với lý do: khó quản lý, hệ thống phát sinh lỗi, hay nhiều người già còn chưa quen công nghệ không có ví điện tử… chỉ là nguỵ biện và liên quan đến lợi ích cá nhân.

Thực tế hiện nay sau đại dịch COVID-19 giao dịch không dùng tiền mặt hết sức phổ cập trong nhân dân. Bà bán xôi, bán rau, thịt cá, thậm chí bán trà đá.. cũng có sẵn mã QR để người mua thanh toán, không cần đếm, đổi, khi trả tiền. Việc cài thêm ứng dụng trên điện thoại thông minh với người cao tuổi thì con cháu hoàn toàn có thể hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng. Những bất cập này sẽ được khắc phục trong một sớm một chiều.

Chắc chắn, với trình độ công nghệ như hiện nay, nhà thầu cung cấp dịch vụ ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ rút kinh nghiệm qua việc thí điểm thực hiện sẽ vá được lỗ thủng quản lý khi nảy sinh vấn đề với thời gian ngắn.

Điều người dân mong mỏi là nguồn thu này sẽ được công khai minh bạch và sử dụng hợp lý để quay lại phục vụ chính đời sống của người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều chỉnh phí trông xe ô tô tại chung cư: Làm sao để hài hòa lợi ích?

    15:36, 20/04/2023

NHẬT QUANG