“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 4 – Những nạn nhân của … “thời đại”
Việc "kiếm view", kiếm "fame" cùng với xu hướng kiếm tiền từ những nội dung ''bẩn'' đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy, nhiều người trở thành nạn nhân và không ít người cũng phải trả giá…
>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 6/2023, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt 78,59%. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.
Bên cạnh đó, cũng có một thống kê không mấy vui vẻ từ Microsoft cho biết, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số văn minh thấp nhất trên không gian mạng, khi chỉ đứng thứ 5 sau Nga, Colombia, Peru và Nam Phi. Cuộc khảo sát của Microsoft chỉ ra thực tế rằng, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của người Việt đang rất xấu và độc hại. Đặc biệt, những năm gần đây, Tiktoker, Youtuber đã trở thành nghề mang tính cạnh tranh đối với nhiều người ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp... Nguyên do chính là bởi môi trường này quá “màu mỡ” trong việc kiếm tiền, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh số ít những Tiktoker, Youtuber định hướng phát triển kênh theo cách bền vững, tạo giá trị, nội dung tích cực để kiếm tiền thì cũng có rất nhiều người bất chấp mọi thứ để được nổi tiếng. Thậm chí để thu hút thêm người xem, tăng tương tác bán hàng, họ sẵn sàng công kích, bóc phốt đời tư của người khác mà bất chấp hậu quả. Chưa bao giờ những cuộc bóc phốt, “đấu” nhau trên mạng xã hội lại rầm rộ, khốc liệt như bây giờ. Với chiếc điện thoại thông minh mà gần như ai cũng có, chuyện gì người ta cũng muốn đưa lên mạng.
Còn nhớ vụ việc “lòng xào dưa” như cách nói phổ biến trên mạng xã hội ồn ào vài năm trước là một trong những ví dụ điển hình khi thông tin riêng tư được tung lên môi trường số để cộng đồng mạng “phân xử”. Câu chuyện đáng lẽ là của ba người nhưng sau cơn “lên đồng” của người vợ, thông tin ê chề đã được cả nước biết với tốc độ lan truyền không thể nhanh chóng hơn được nữa.
“Thủ phạm” đăng công khai những tin nhắn nhạy cảm lên mạng xã hội để cộng đồng mạng phán xét bỗng chốc chung số phận với những nạn nhân khốn khổ còn lại. Tin tức ấy giống như miếng mồi cực ngon từ đâu rơi xuống ngay trước bầy kền kền đói mồi. Người ta hả hê xông vào rỉa rói, bình luận, thậm chí chế ra câu nói “để đời”; chế ra những bức ảnh gắn chặt với biến cố của những nạn nhân khốn khổ để hả hê cười cợt.
>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 3 – Rầm rộ phong trào… “bóc phốt”
Mấy ngày trước đây, câu chuyện Tiktoker ''Vua quạt'' với những video mắng chửi, thoá mạ một nhóm phóng viên, thách thức, bôi nhọ các cán bộ công an đã gây bão dư luận. Điều đáng chú ý trong sự việc này ở chỗ có hàng nghìn người theo dõi và cổ xuý cho hành vi “ngông cuồng” ấy, cứ như vậy, Tiktoker “Vua quạt” đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác và có thể tới đây sẽ phải trả giá bằng một kết cục rất đắt để Tiktoker này nhớ cả cuộc đời. Tự hỏi, kiếm tiền online có cần phải bất chấp, có cần tự biến mình trở thành nạn nhân khi trở thành nguyên liệu cho người khác tiếp tục… “câu like”?
Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến xu hướng dùng mạng xã hội để xúi giục, kích động, tẩy chay và trả đũa nhau lại khốc liệt đến vậy. Cùng với những cá nhân có cái "tôi" quá lớn, là những "anh hùng bàn phím" không ngừng chạy đua theo các trào lưu, xông vào mọi ngóc ngách cuộc sống đời tư người khác để chửi rủa bất chấp đúng sai.
Nạn nhân của trò bóc phốt cứ nối tiếp theo danh sách ngày một dài thêm. Dư luận “hóng” cái tên nào sẽ trở thành "vật tế thần" tiếp theo, con người nào sẽ bị mở toang cánh cửa cuộc đời, số phận nào sẽ bị cộng đồng vùi dập chẳng chút xót thương. Mạng xã hội đang dung dưỡng cho bao điều xấu xa đâm chồi mọc rễ, sự ẩn danh bao lâu nay che chắn cho thói hư tật xấu của một bộ phận người dùng mạng: thích săm soi, hay đả kích, mê châm chọc và thóa mạ người khác một cách công khai.
Đấu tranh với cái xấu là trách nhiệm của mỗi công dân và xã hội. Thế nhưng, nhất định không phải là săm soi tìm cái xấu của người khác để tung hê lên mạng. Người ngoài cuộc nhìn vào, chỉ thấy trong cuộc chiến "tương tàn" ấy, là những hình ảnh không khác mấy so với đấu tố thời trung cổ. Phía sau những màn bóc phốt, thóa mạ không có hồi kết ấy, là những "chật hẹp" cá nhân, lợi ích nhóm và những hành xử không đáng có. Đôi khi, đó là sự rùng mình bởi tất cả những gì hiển hiện là sự lạnh lẽo, bạc bẽo, thủ đoạn nham hiểm, cay độc giữa con người với con người, tìm mọi cách giẫm đạp lên người khác để thăng tiến, để trục lợi cá nhân.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm