Lào Cai: Điểm đến đầu tư

THÙY LINH thực hiện 21/04/2024 09:48

Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng; đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đó là chia sẻ của ông Trinh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai với DOANH NHÂN.

Theo ông Trịnh Xuân Trường, Lào Cai được xem là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam, Trung Quốc.

- Thưa ông, Lào Cai hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Vậy ông có thể chia sẻ đôi nét về những lợi thế riêng có của Lào Cai?

Điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế, quân sự, đối ngoại, chính trị tạo cho Lào Cai có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Với vị trí là trung tâm kết nối dọc của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối ngang Đông - Tây giữa các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, Lào Cai đã và đang phát huy tốt vai trò “cầu nối” kinh tế, văn hóa, mở ra không gian phát triển rộng lớn và đầy tiềm năng cho vùng và cả nước.

Tỉnh có mạng lưới giao thông thuận lợi, đa dạng, các tuyến Quốc lộ phân bố rộng khắp (QL 70, 4D, 4E, 279); cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất cả nước liên kết vùng với vùng Thủ đô; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh đã có phương án nâng cấp lên khổ lồng 1,435m; tuyến đường thủy trên sông Hồng từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Cảng Hàng không Sa Pa quy mô 4C đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ đưa Lào Cai có đầy đủ 04 loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường trong nước và Quốc tế; mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển.

Lào Cai có điều kiện tự nhiên đa dạng, khí hậu ưu đãi để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế. Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với tuyến cáp treo đạt 02 kỷ lục Thế giới cùng với Khu nghỉ dưỡng Quốc tế Y Tý đang được đầu tư sẽ đưa Lào Cai đón 15 triệu du khách và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% - 30% GRDP vào năm 2030.

Lào Cai có thế mạnh lâu dài về phát triển công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn. Trong đó, Quặng Apatit có trữ lượng trên 2,5 tỷ tấn, đủ khả năng cung cấp dài hạn nguyên liệu sản xuất phân bón chứa lân, góp phần vào chiến lược phát triển chung của cả nước.
Quặng Đồng có trữ lượng trên 100 triệu tấn, xếp hàng đầu Đông Nam Á. Đặc biệt, Lào Cai có trữ lượng đất hiếm lớn nhất cả nước, là loại khoáng sản giữ vai trò chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật công nghệ cao của Thế giới.

Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là nền tảng để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến với Lào Cai.

- Môi trường đầu tư của tỉnh cũng là 1 trong những điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn Lào Cai là điểm đến đầu tư, thưa ông?

Đúng vậy. Thời gian qua, chính quyền tỉnh Lào Cai đã nỗ lực xây dựng đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như: Vận hành có hiệu quả cao Tổ hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín của địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Lào Cai. Ngoài các văn bản quy định của Trung ương, tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù trong giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng mọi ưu đãi với mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Tỉnh cũng ưu tiên, cho phép hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành có liên quan, nhất là các ưu đãi về: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất – nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước… Đây là những tiền đề quan trọng, khẳng định sự đồng hành của chính quyền tỉnh với nhà đầu tư, tạo nền tảng ban đầu quan trọng, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nhằm tập trung triển khai các hạng mục dự án quan trọng.
Đến nay, thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều kết quả nổi bật: Có 29 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 730,4 triệu USD, hơn 600 dự án đầu tư trong nước mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 4,68 tỷ USD. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 7.318 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 96.389 tỷ đồng.

- Vậy đâu là những lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư của Lào Cai trong thời gian tới, thưa ông?

Lào Cai sẽ ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động địa phương… Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông vận tải, sẽ tập trung vào các dự án kết nối liên vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng thủ đô; các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tuyến kết nối giao thông đối ngoại với vùng, các tỉnh có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương như Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang....

Lào Cai cũng ưu tiên thu hút đầu tư với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, xã hội như: trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ về đầu tư; tăng cường cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn...

 Chủ tịch VCCI và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cùng các đại diện hai đơn vị chứng kiến ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác.

Chủ tịch VCCI và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cùng các đại diện hai đơn vị chứng kiến ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác.

“Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển” là mục tiêu và cũng là mong muốn của các cấp chính quyền Lào Cai với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Để tiếp tục nâng cao lợi thế cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, Lào Cai đã có những bước chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Hiện, tỉnh đang tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điện, nước, đô thị, xử lý chất thải, công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng bình đẳng với chi phí hợp lý.

Tỉnh cũng chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các vùng kinh tế động lực và các tuyến đường kết nối đến Cảng Hàng không Sa Pa, khu kinh tế, khu du lịch và các khu vực có tiềm năng phát triển. Hoàn thành xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cấp 4C, định hướng là Cảng Hàng không quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng trung tâm logistics, hạ tầng công lạnh, đảm bảo lưu trữ và luân chuyển cho mặt hàng nông, thủy sản. Xây dựng danh mục ngành, chế biến chế tạo ưu tiên phát triển tại Lào Cai. Quy hoạch 01 khu công nghiệp đảm bảo các yêu cầu về cơ sở hạ tầng hiện đại nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Tỉnh Lào Cai cam kết, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ và hiệu quả, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tỉnh phát triển bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Dấu mốc quan trong trong hợp tác giữa VCCI và Lào Cai

    Dấu mốc quan trong trong hợp tác giữa VCCI và Lào Cai

    23:41, 28/03/2024

  • Xuân về theo lễ hội Đền Thượng - Lào Cai

    Xuân về theo lễ hội Đền Thượng - Lào Cai

    17:57, 27/02/2024

  • Lào Cai - điểm đến đầu tư

    Lào Cai - điểm đến đầu tư

    03:31, 25/02/2024

THÙY LINH thực hiện