70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức “Binh chủng xe thồ”
Trong Chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến đội dân công cùng những chiếc “xe đạp thồ” ngày đêm âm thầm ra trận phục vụ chiến dịch.
>>70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
Tháng 12/1953, Bộ Chính trị chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Cái khó lớn nhất mà cả phía ta và địch đều có chung nhận định là vấn đề tiếp tế hậu cần.
Tướng Navarre, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương lập luận, Điện Biên Phủ xa hậu cứ của Việt Minh 400 - 500 km, qua nhiều rừng rậm, núi cao. Bằng sức người và phương tiện thô sơ, Việt Minh không thể tiếp tế nổi lương thực, thực phẩm, đạn dược. Mùa mưa tới, đời sống chiến hào sẽ thiếu thốn, bệnh tật bùng phát, lúc đó không đánh cũng thua, chỉ một tuần là Việt Minh phải rút lui vì cạn tiếp tế.
Thực tế, Điện Biên Phủ vừa cách xa trung tâm hậu phương, lại vừa có địa hình hiểm trở, đèo cao, vực sâu, thời tiết khắc nghiệt. Chiến dịch Điện Biên Phủ từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”, từ dự kiến đánh trong 3 ngày 2 đêm chuyển sang đánh dài ngày, đòi hỏi khối lượng vật chất lớn gấp bội.
Tuy nhiên, càng khó khăn bao nhiêu thì người Việt Nam càng sáng tạo bấy nhiêu. Và Điện Biên Phủ đã xuất hiện điều làm cho thực dân Pháp và cả thế giới phải kinh ngạc: “Xe đạp thồ” - dấu ấn độc đáo, đặc sắc, có một không hai trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
Mặc dù là phương tiện thô sơ nhưng xe đạp đã được “chế tạo” thành những “chiếc xe thồ” có thể vận chuyển thông suốt hàng nghìn tấn hàng hóa cho tuyền tuyến không thua kém bất kì phương tiện tối tân nào.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có 20.991 chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia chiến dịch và đã làm nên chiến tích mang tên Điện Biên Phủ. Xe đạp thồ trở thành loại phương tiện vận chuyển chính, cơ động, năng suất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km.
Để đưa quân nhu lên trận tuyến, những dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có từ 30 - 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Mỗi nhóm mang theo hành trang là những nhu yếu phẩm để có thể tự nấu nướng, những tấm nilong để che mưa cho hàng hóa.
Đã có nhiều kỷ lục gắn liền với chiếc xe đạp thồ. Tiêu biểu như ông Bùi Tín (dân công Thanh Hóa) vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đạt trọng tải từ 80kg đến 213kg (kết thúc chiến dịch, ông vinh dự được thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba).
>>Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Báo Nhân Dân
>>70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
“Kiện tướng xe thồ” Cao Văn Tỵ (dân công Thanh Hóa) với nhiều sáng kiến đã chở được 320kg/chuyến. Đặc biệt là ông Ma Văn Thắng (dân công Phú Thọ), chiếc xe đạp thồ do ông gia cố đã lập kỷ lục vận chuyển trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có chuyến chở 325 kg hàng, gấp 13 lần một người gồng gánh.
Với năng suất vận chuyển cao như vậy, những chiếc xe đạp thồ tưởng chừng thô sơ vô hại lại trở thành “vũ khí đặc biệt” góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Chưa bao giờ công tác hậu cần lại đảm bảo được một khối lượng vật chất lớn đến 20.125 tấn.
Trong đó, gạo 14.950 tấn, vũ khí đạn và dầu 3.000 tấn, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Lần đầu tiên ta bảo đảm cho một lực lượng lớn tham gia chiến dịch bao gồm cả bộ đội chủ lực 53.800 người, thanh niên xung phong và dân công phục vụ chiến dịch là 33. 300 người.
Nhớ lại những ngày tháng chở hàng ra chiến trường Điện Biên Phủ, ông Trần Khôi, cựu dân công xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ, tất cả các tỉnh, các huyện miền núi xuống, có cả thuyền bốc hàng, rồi ô tô, xe ngựa…. giống như ngày hội, đuốc thì đốt sáng.
“Anh em đi với tinh thần làm sao hàng đến cho nhanh, đảm bảo cho chiến trường có đủ lương thực, ăn no, đánh to, thắng lớn", ông Trần Khôi bày tỏ.
Đại tá, TS. Vũ Tang Bồng, nguyên Trưởng Phòng Lịch sử kỹ thuật hậu cần quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam bình luận, xe đạp thồ của Thanh Hoá hay xe Cút Kít của dân công Trịnh Định Bầm, tôi với tư cách làm nghiên cứu lịch sử quân sự có liên tưởng nó như một biểu tượng của tinh thần, ý chí.
"Ý chí ở đây như Thủ tướng Pháp đã nói, không phải cái gì đó đã đánh bại Tướng Navarre, mà chính xe đạp thồ thồ 230kg đẩy bằng sức người, chính những cái đó đã đánh bại Tướng Navarre", Đại tá, TS. Vũ Tang Bồng nói.
Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Những chiếc xe đạp thồ tuy giản dị nhưng lại là minh chứng sống động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường giành lại độc lập tự do.
Có thể bạn quan tâm
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
03:30, 13/04/2024
Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Báo Nhân Dân
08:53, 22/03/2024
Điện Biên phát triển du lịch bền vững
13:56, 17/03/2024