PPC lãi lớn nhờ nhu cầu điện tăng cao
Do điều kiện thủy văn kém thuận lợi ở những tháng đầu năm, khiến nhu cầu dành cho nhiệt điện tăng cao, kéo doanh thu và lợi nhuận của PPC tăng mạnh trong quý đầu năm.
>>>Nhu cầu tiêu thụ điện duy trì tăng trưởng cao trong trung và dài hạn
Theo báo cáo tài chính quý I/2024 mới công bố, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.996 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 310% so với cùng kỳ năm 2023, lên 95 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh tới 135%, lên 95 tỷ đồng, chủ yếu nhờ các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị PPC góp vốn. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động này giảm mạnh 89% so với cùng kỳ, nên kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp nhiệt điện than này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 157 tỷ đồng, tăng mạnh lên tới 295% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân chính làm tăng lãi là do sản lượng bán điện trong quý đầu năm nay tăng mạnh. Điều này phần lớn do điều kiện thủy văn kém thuận lợi ở những tháng đầu năm, khiến nhu cầu dành cho nhiệt điện tăng cao.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của PPC ghi nhận đạt hơn 6.900 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng mạnh 38%, lên hơn 4.000 tỷ đồng, chủ yếu do khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng gia tăng. Lượng tiền nắm giữ cuối kỳ cũng tăng mạnh lên hơn 2 lần so với đầu năm, đạt 55 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp này là hơn 2.300 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần đầu năm, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong kỳ, doanh nghiệp phát sinh khoản vay 196 tỷ đồng, nhưng không có thuyết minh chi tiết về khoản vay này.
Theo Chứng khoán FPTS, ngành Điện Việt Nam sử dụng đa dạng nguồn năng lượng đầu vào. Trong đó, than đang là nguồn đầu vào được sử dụng nhiều nhất, tạo ra 46% sản lượng điện.
FPTS cho rằng, Việt Nam đang dần khai thác tối đa tài nguyên nội địa và bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Việc khai thác các tài nguyên năng lượng nội địa phục vụ cho ngành điện luôn được ưu tiên để đảm bảo nguồn đầu vào ổn định với giá thành hợp lý. Tuy nhiên, nước ta đã khai thác gần như tối đa tiềm năng của các nguồn tài nguyên nội địa, ngoại trừ các nguồn năng lượng tái tạo ngoại thủy điện.
“Để tiếp tục phát triển nguồn điện, Việt Nam đang và sẽ phải nhập khẩu thêm các nguồn tài nguyên năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu than, khí. Các nguồn tài nguyên nhập khẩu thường thiếu ổn định nên có thể gây rủi ro cho việc đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam”, FPTS đánh giá.
Cũng theo đơn vị này, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 70% nhà máy nhiệt điện than được thiết kế để sử dụng than nội địa và 30% còn lại sử dụng than nhập khẩu.
Từ năm 2019, Việt Nam có thêm một loại than mới là than trộn, (pha trộn giữa than nội địa và than nhập khẩu). Loại than này được sử dụng cho các nhà máy thiết kế dùng than nội địa. Than trộn hiện nay đã thay thế gần như hoàn toàn cho than nội địa do việc trộn than giúp gia tăng sản lượng than cung cấp cho các nhà máy điện.
Liên quan đến việc sản xuất điện, FPTS đánh giá, nhiệt điện than mặc dù ổn định và giá thành thấp nhưng kém linh hoạt và phát thải cao. Nhiệt điện khí có độ linh hoạt cao và sạch hơn nhiệt điện than nhưng giá thành dự kiến sẽ tăng cao. Trong khi đó, điện mặt trời và điện gió thiếu ổn định nhưng có tiềm năng cạnh tranh về giá thành.
Đánh giá về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành điện, FPTS cho rằng, kết quả kinh doanh của thủy điện và nhiệt điện thường biến động ngược chiều nhau do tác động bởi chu kỳ El Nino/La Nina. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy điện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thủy văn, thường tăng mạnh vào các năm La Nina và sụt giảm vào các năm El Nino.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhóm nhiệt điện còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như: diễn biến giá nhiên liệu, thay đổi giá hợp đồng và biến động giá trên thị trường cạnh tranh. Biên lợi nhuận gộp của nhiệt điện thấp hơn đáng kể, chỉ vào khoảng 5 – 15% và biên lợi nhuận sau thuế thường dưới 10%. Trong khi, các doanh nghiệp thủy điện và năng lượng tái tạo đều có tỷ suất lợi nhuận rất cao, với biên lợi nhuận gộp khoảng 50 - 70% và biên lợi nhuận sau thuế từ 30 – 50%.
“Nguyên nhân của sự chênh lệch lớn này chủ yếu đến từ sự khác biệt về cơ cấu giá thành. Giá thành thủy điện và năng lượn tái tạo thấp hơn và phần lớn là chi phí cố định, trong khi các nhà máy nhiệt điện phải chịu thêm một khoản chi phí lớn là chi phí nhiên liệu. Khoản chi phí này vẫn được chuyển vào giá bán nhưng khiến cho biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện giảm xuống rất thấp”, FPTS đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Nhiệt điện Quảng Ninh: Quý I năm 2024 sản xuất được gần 2 tỷ kWh điện
14:36, 10/04/2024
Nhiệt điện Hải Phòng: Quý I/2024 sản xuất đạt gần 2 tỷ kWh điện
10:47, 09/04/2024
Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh tại Nhiệt điện Hải Phòng
13:00, 25/03/2024
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng: Nhìn lại một năm bền bỉ vượt khó
08:00, 22/02/2024
Nhiệt điện Bà Rịa: Sản xuất kinh doanh gắn liền bảo vệ môi trường
19:56, 15/12/2023