“Xanh hóa” bê tông

NGUYỄN MAI ANH 20/04/2024 03:00

Giảm thiểu lượng CO₂ trong ngành bê tông đang trở thành một vấn đề cấp bách. Nhiều công nghệ mới đang từng bước ra đời để “xanh hóa” những khối bê tông vốn đang có mầu xám xịt này.

>>Bộ Xây dựng nói gì về mối hoạ “rừng bê tông”?

Quy trình sản xuất bê tông truyền thống chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải CO₂ toàn cầu. Điều đó khiến bê tông trở thành nguồn thải CO₂ công nghiệp lớn thứ hai thế giới và gấp ba lần lượng khí thải của cả ngành hàng không dân dụng.

 CarbonCure sáng chế ra công nghệ đưa CO₂ thu được vào bê tông tươi để giảm lượng khí thải carbon mà không ảnh hưởng đến hiệu suất.

CarbonCure sáng chế ra công nghệ đưa CO₂ thu được vào bê tông tươi để giảm lượng khí thải carbon mà không ảnh hưởng đến hiệu suất.

Giữ CO₂ trong bê tông

CarbonCure, công ty khởi nghiệp sáng tạo ở Canada, đã sáng chế ra một hệ thống sản xuất bê tông mới, giúp giữ lại lượng khí thải CO₂ mãi mãi ở bên trong những khối bê tông, đồng thời giảm được lượng xi măng sử dụng.
Hệ thống của CarbonCure sẽ lấy CO₂ và bơm vào bê tông khi trộn. Lúc bê tông cứng lại, lượng cacbon đó sẽ bị cô lập “cứng” ở bên trong bê tông. Ngay cả khi tòa nhà bị phá bỏ, cacbon vẫn được giữ nguyên.

Theo CarbonCure, hàm lượng xi măng sử dụng có thể giảm được từ 5-7%. Không những thế, việc bổ sung CO₂ cũng giúp tăng cường độ bền cho vật liệu.

Cho đến nay, CarbonCure đã bán được hơn 750 hệ thống, tạo ra gần 5 triệu xe tải bê tông thu giữ cacbon, tương đương với việc loại bỏ khoảng 290.000 tấn CO₂ ra khỏi khí quyển, ngang với việc loại bỏ hơn 64.000 ô tô chạy bằng xăng khỏi đường phố trong một năm.

Tòa nhà 725 Ponce tại Atlanta (Mỹ) là công trình lớn nhất sử dụng công nghệ của CarbonCure. Tòa nhà rộng 360.000m² gồm khu dân cư, siêu thị này đã tiết kiệm được 700 tấn CO₂ thoát ra ngoài không khí. Bê tông “xanh” này cũng chuẩn bị được Amazon sử dụng để xây trụ sở thứ 2 của mình ở Virgina (Mỹ).

CarbonCure không phải là công ty duy nhất nghiên cứu sản xuất bê tông thân thiện hơn với môi trường. Công ty này đang phải cạnh tranh với nhiều công ty khởi nghiệp sáng tạo khác như Carbicrete, Carbon Upcycling hay UCLA CarbonBuilt trong một thị trường đang dần được quan tâm nhiều hơn.

 Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tái sử dụng nhiệt thải lò nung để giảm CO₂ phát thải khi sản xuất bê tông.

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tái sử dụng nhiệt thải lò nung để giảm CO₂ phát thải khi sản xuất bê tông.

>>Mối hoạ “rừng bê tông”
Hấp thụ CO₂

Một nhóm liên minh các công ty khác: Kajima, Điện lực Chugoku, Denka và Landes vừa hoàn thiện một căn nhà ở Karuizawa, thị trấn trên núi gần Nagano, Nhật Bản bằng những mảnh bê tông hấp thụ CO₂ đầu tiên trên thế giới.

Công ty Kajima, Nhật Bản có một cách tiếp cận khác với CarbonCure kể trên. Công ty này phát triển một loại bê tông có tên CO₂-SUICOM, sử dụng xi măng có khả năng hấp thụ CO₂ trong quá trình sản xuất. CO₂-SUICOM sử dụng γ-C2S, một vật liệu đặc biệt, sẽ đông đặc lại khi tiếp xúc với CO₂. Việc sử dụng vật liệu đặc biệt này không chỉ giúp cắt giảm lượng xi măng cần thiết xuống khoảng một phần ba thể tích thông thường, mà lượng khí thải CO₂ ròng của bê tông còn giảm xuống dưới 0 thông qua việc hấp thụ và cố định CO₂.

Trong khi những khối bê tông thông thường thải ra khoảng 300kg CO₂ mỗi m³, CO₂-SUICOM lại có thể đạt được mức âm carbon (lượng carbon thải ra nhỏ hơn lượng carbon hấp thụ).

Tương lai của bê tông “xanh”

Theo Fact.mr, quy mô thị trường các loại bê tông “xanh” này được tính toán ở mức 2,34 tỷ USD cho năm 2024 và được dự báo tăng với tốc độ CAGR 11,2%, và đạt gần 6 tỷ USD vào năm 2034.

Các sản phẩm của các công ty kể trên đã bước đầu được ứng dụng rộng rãi ngoài đời thực, mang lại lợi nhuận và giúp thế giới giải một phần bài toán biến đổi khí hậu. Không những thế, những công ty này còn bán được những tín chỉ cacbon, một nguồn thu lớn khác.

Tín chỉ cacbon là một công cụ được sử dụng để quản lý lượng khí thải nhà kính vào bầu khí quyển. Một tín chỉ cacbon tương đương với một tấn khí CO₂ hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương. Các tổ chức có thể giảm lượng khí thải nhà kính của họ bằng cách đầu tư vào các dự án như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, trồng rừng hoặc bảo vệ rừng, hoặc đơn giản là mua tín chỉ từ các công ty bán, coi như là một khoản đầu tư. Như CarbonCure, năm 2022 công ty này tiết lộ đã bán được 38 triệu USD tín chỉ cacbon.

Đặc biệt, khi những doanh nghiệp sản xuất bê tông “xanh” này phát triển, cũng đồng nghĩa với nhu cầu mua lại CO₂ tăng lên bởi nó trở thành nguyên liệu sản xuất. Điều này sẽ kích thích các công ty, nhà máy tìm cách thu giữ lại CO₂ phát thải của họ và bán lại cho những công ty sản xuất bê tông “xanh” để kiếm tiền. Một số chuyên gia ước tính, đó là một ngành công nghiệp trị giá hàng ngàn tỷ USD vào năm 2030.

Ở Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào công nghệ bê tông “xanh” nhưng nhiều doanh nghiệp đã có những giải pháp để giảm CO₂ phát thải khi sản xuất bê tông. Cụ thể là tái sử dụng nhiệt thải lò nung để phát điện và dùng rác thải thay cho than đốt. Công nghệ sử dụng nhiệt thải có thể giúp các nhà máy tự túc từ 25-30% nhu cầu điện. Dù phát thải từ điện không lớn nhưng đó cũng thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

“Hiện nay, đã có 40% nhà máy xi măng có công suất thiết kế ≥ 2.500 tấn clinker/ngày đã lắp đặt thiết bị thu hồi nhiệt thải này”, PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết.

Với tiềm năng phát triển của bê tông “xanh” cũng như sức ép từ luật pháp, chắc chắn rằng các loại bê tông xanh cũng sớm xuất hiện ở Việt Nam cũng như xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, dần thay thế các loại bê tông thông thường.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp mới cho ngành phụ gia bê tông

    13:00, 20/11/2023

  • Thảm bê tông nhựa khi trời mưa tại Quốc lộ 15D: Nhà thầu nói gì?

    14:00, 12/10/2023

NGUYỄN MAI ANH