Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn: Cần cơ chế, chính sách đột phá
Trước những cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này, cần có cơ chế chính sách đột phá.
>> Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn
Là "huyết mạch" của nền kinh tế số, ngành bán dẫn có vai trò chủ chốt, quan trọng và là tiêu điểm, thu hút nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030 (theo Gartner). Đồng thời, ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghệ bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào và cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam cũng đã xác định công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn… là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên bên cạnh những tiềm năng, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cũng còn tồn tại một số thách thức. Để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách đột phá…
>>Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng Ban Công nghệ bán dẫn, Tập đoàn Viettel cho biết, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, dự báo quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20 - 30 tỷ USD, nhưng đến nay mới chỉ có hai doanh nghiệp nội là FPT và Viettel tham gia thị trường này ở công đoạn đầu tiên, trên tổng số hơn 50 công ty trong ngành. Mặt khác, về sản xuất, Việt Nam đã có nhà máy đóng gói và kiểm thử của một số tập đoàn lớn song chưa có bất kỳ cơ sở chế tạo nào.
Do vậy, để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, ông Hoàng đề xuất, cần có cơ chế chính sách đột phá như chính sách ưu đãi về thuế, các cơ chế về hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo.
“Viettel mong muốn các cơ chế đó cần được sớm cụ thể hóa trong hệ thống văn bản pháp luật để đưa vào thực thi trong giai đoạn 2024 - 2026. Đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân sẽ tạo ra đột phá để thu hút nhân tài và các chuyên gia nước ngoài về làm việc”, Trưởng Ban Công nghệ bán dẫn, Tập đoàn Viettel chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, PGS.TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp làm về dịch vụ thiết kế vi mạch, trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI với lực lượng lao động ước gần 5.000 kỹ sư. Phần lớn các doanh nghiệp này đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực đóng gói vi mạch, sau Intel, Amkor và Hana Micron đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Cùng với đó là các doanh nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đóng gói như Besi bắt đầu dịch chuyển vào Việt Nam.
“Có thể nói các nỗ lực gắn với cột mốc thứ hai đầu những năm 2000 đã tạo những tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho hay.
Đưa ra đề xuất để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút FDI, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Theo bà Thi, muốn thực hiện được điều này, cần tập trung vào cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn thông qua khâu đào tạo nâng cao kỹ năng nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn theo nhu cầu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có “đầu tư mạo hiểm”.
“Chúng ta cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách liên quan doanh nghiệp start-up, liên quan Quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư như thuế, luật đầu tư mạo hiểm, các cơ chế cho nhà đầu tư mạo hiểm, các cơ chế bảo vệ họ khi đầu tư mạo hiểm, các cơ chế thoái vốn cho đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp tiên phong cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với nhiều rủi ro”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn
03:00, 19/03/2024
Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi từ ngành công nghiệp bán dẫn?
02:30, 14/03/2024
Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?
04:30, 30/01/2024
Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn
14:36, 16/12/2023
Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
03:00, 08/12/2023