Nam Định: Quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
>>>Nam Định: Tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Chia sẻ khó khăn để phát triển
Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã nỗ lực thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Quốc hội với nhiều kết quả tích cực.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Nhằm đồng hành chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, người dân, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung bình từ 0,5-2%/năm.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Nam Định chia sẻ: Trong 2 năm 2022 và năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ 40,696 tỷ đồng lãi suất đối với 48.496 món vay theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ; cho 5.207 khách hàng vay 417, 275 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm. Trong đó, đã cho 7 doanh nghiệp vay 1.357 triệu đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các ngân hàng thương mại đã cho 1 doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản vay 111,8 tỷ đồng theo Chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng (lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ).
Đã giãn, hoãn, giảm áp lực trả nợ vay ngân hàng cho 71 khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu lại là 752.752 triệu đồng. Trên toàn tỉnh còn thực hiện giải ngân trước ngày 31-8-2022 cho 1.518 người với tổng số tiền hơn 2,382 tỷ đồng ngay khi có các Quyết định phê duyệt theo Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giúp cho doanh nghiệp đảm bảo ổn định lực lượng lao động, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đã giải ngân hơn 1,934 tỷ đồng cho 1.291 người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc; hỗ trợ 448 triệu đồng cho 227 người lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Đại diện Cục thuế cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, giai đoạn 2022-2023, Cục đã thực hiện gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí.
Đồng thời giảm 2% thuế suất Thuế Giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đối với 7.230 người nộp thuế, tổng số thuế giảm trên hóa đơn bán ra 1.702 tỷ đồng; hiện mức giảm này tiếp tục được áp dụng đến hết tháng 6-2024.
Qua đó, giúp người nộp thuế giảm áp lực phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi các chi phí đầu vào tăng cao, nâng khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, làm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi, duy trì và kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Các giải pháp...
Theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn từ năm 2022 đến nay, nhờ thực thi hiệu quả chính sách tài khoá, tiền tệ, thu hút đầu tư, thúc đẩy xây dựng, phát triển sản xuất, kinh doanh đã góp phần giúp tỉnh đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Đồng thời tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại, tính tự chủ trong trung hạn, dài hạn. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2023 ước đạt 55.565 tỷ đồng, tăng 17,0% so với năm trước.
Năm 2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án (bao gồm 39 dự án đầu tư trong nước và 20 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 2.412 tỷ đồng và 332 triệu USD. Trong quý I-2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 6 dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 79,2 triệu USD.
Đặc biệt, nhiều dự án quy mô lớn đi vào đầu tư trong năm 2023, đã được các chủ đầu tư nỗ lực thúc đẩy tiến độ thi công xây dựng hạ tầng nhà xưởng, sẽ sớm đi vào sản xuất ngay trong năm 2024; mở ra hàng loạt cơ hội việc làm cho nhiều người lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước, gia tăng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Quy mô kinh tế năm 2023 của tỉnh cán mốc 100 nghìn tỷ đồng, đạt 103.596 tỷ đồng, tăng 13,41% so với năm 2022; đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 9/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2023 theo giá so sánh 2010 ước đạt 58.253 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm 2022, là mức tăng cao trong vùng (3/11) và cả nước (6/63). Kinh tế tỉnh Nam Định quý I-2024 tăng trưởng 7,07% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng bình quân chung của toàn quốc, xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và 14/63 cả nước.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Để nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các địa phương ban ngành sẽ phải không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế.
Đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nội tỉnh chi tiêu vào hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp tạo thêm việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Đối với thúc đẩy xuất khẩu, tiếp tục phục hồi, phát triển mạnh những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, nhất là công nghiệp chế tạo, chế biến; đặc biệt chú trọng hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài quy mô lớn sẽ đưa dự án đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu vào hoạt động trong quý III, quý IV năm nay góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu.
Theo ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh: Các giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó tiếp tục nâng cao sức hút cho môi trường đầu tư của Nam Định. Theo ông Túc, tỉnh tiếp tục thực hiện quan điểm “coi các nhà đầu tư như công dân danh dự của tỉnh”, thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh, tỉnh chỉ đạo duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời chỉ đạo, giải quyết tháo gỡ toàn diện, triệt để các khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng đầu tư, xây dựng, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án của các nhà đầu tư. Tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 9,5-10,5% so với năm 2023.
Có thể bạn quan tâm