“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 5 – “Bêu xấu”… “dìm” đối thủ

NGUYỄN GIANG 21/04/2024 03:30

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học 4.0 đã tạo cơ hội cho kinh doanh online bứt phá, tuy nhiên, vấn nạn “bêu xấu”, “gièm pha” đối thủ cạnh tranh cũng lan tràn như một thứ dịch bệnh…

>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền

IHIHIH

Sản phẩm Xì dầu 2S Đỗ đen - Ngưu bàng của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn liên tục một số đối tượng "bêu xấu" trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Trên thực tế, mạng xã hội càng phát triển thì mặt trái của nó càng bị kẻ xấu lợi dụng. Nói xấu, đặt chuyện, vu khống "đối thủ" hoặc doanh nghiệp trên mạng xã hội chưa bao giờ dễ như lúc này. Những ngày gần đây, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn cùng những người nông dân trồng dược liệu trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đang phải trải qua những ngày “khốn đốn”, “khổ sở” bởi những thông tin “bêu xấu”, “dìm hàng” trên mạng xã hội.

Theo chia sẻ của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn (Hợp tác xã), những năm qua, Hợp tác xã luôn bị một nhóm đối thủ cạnh tranh và tiến hành truyền thông “bẩn” bằng cách tiến hành “bôi nhọ”, vu khống với những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội nhằm huỷ hoại uy tín của Hợp tác xã. Đặc biệt trong khoảng thời gian chuẩn bị đến mùa thu hoạch dược liệu, những thông tin thất thiệt, sai sự thật về sản phẩm "Xì dầu 2S Đỗ đen - Ngưu bàng" của Hợp tác xã liên tục bị một số nhóm đối tượng chia sẻ dày đặc trong các hội, nhóm trên Facebook với nhiều bình luận tiêu cực.

Đại diện hợp tác xã cho biết, sản phẩm “Xì dầu 2S Đỗ đen - Ngưu bàng” là thương hiệu không chỉ của Hợp tác xã mà còn là thương hiệu của huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội), đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng, có đầy đủ các thủ tục pháp lý để được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành, đồng thời cũng được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng sử dụng những năm qua. Tuy nhiên, những thông tin “bôi nhọ”, “bêu xấu” về sản phẩm này tại một số hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook đã khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, uy tín của hợp tác xã bị ảnh hưởng nặng nề. Các vùng trồng nguyên liệu của người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện không thể thu hoạch bởi hàng hoá tiêu thụ chậm hơn…

Nhận định về nguyên nhân khiến Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn trở thành nạn nhân của vấn nạn “bêu xấu”, “dìm hàng”, các chuyên gia truyền thông cho rằng, có thể có một số đối tượng sản xuất, kinh doanh những mặt hàng tương tự hợp tác xã này. Do đó để cạnh tranh họ sẵn sàng dùng “chiêu hèn, kế bẩn” nhằm triệt hạ đối thủ để chiếm lĩnh thị trường kinh doanh. Các chuyên gia cho rằng, cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu trò bêu riếu, bôi nhọ, vu khống sản phẩm của nhau là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng báo động trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Còn nhớ cách đây vài năm, nhãn hàng Pepsi cũng từng bị "tai nạn" khi mạng xã hội đăng tin thất thiệt 15 học sinh ở Tuyên Quang bị ngộ độc nước uống Sting (của Công ty Pepsi Việt Nam), trong đó 2 em tử vong, 13 em có biểu hiện bất thường, phải nhập viện (thực tế hình ảnh bệnh nhân nằm viện đăng trên Facebook được lấy từ một trang web ở Pakistan, hình ảnh đám tang 2 học sinh tử vong cũng là giả mạo).

Năm 2018, công ty này cũng bị một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Công Minh tung thông tin anh suy thận nặng là do thời gian dài đều đặn uống 3 chai Sting mỗi ngày. Dù chưa được kiểm chứng thực hư thế nào nhưng chỉ sau 6 ngày đăng tải, bài viết đã nhận được 93.600 lượt xem và 65.114 lượt chia sẻ.

Đối với những sự việc này, dù sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, tuy nhiên, uy tín nhãn hiệu, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp này cũng đã bị giảm sút và ảnh hưởng nặng nề.

>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 4 – Những nạn nhân của … “thời đại”

IHIHIHIH

Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn cùng những người nông dân trồng dược liệu đang phải trải qua những ngày “khốn đốn” bởi những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Bình luận về nội dung này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty Luật EMME LAW cho rằng, trong xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, cả trong nước và quốc tế, chỉ cần một thông tin không tốt, chưa được xác minh mà lan truyền sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp. "Những rủi ro ban đầu từ thông tin không tốt, bôi xấu, có thể trở thành sự cố, khủng hoảng nếu doanh nghiệp xử lý không tốt, để lại hậu quả không nhỏ", luật sư Tuấn nêu thực tế, đồng thời cảnh báo đã là tin đồn thì rất khó ngăn lại dưới thời công nghệ 4.0.

Thậm chí, một tin đồn xấu, doanh nghiệp bị vu khống trong quá khứ nhưng khi ai đó khơi lại trên mạng xã hội cũng có thể khiến doanh nghiệp vướng tiếp vào khủng hoảng. Luật sư Tuấn cũng cho rằng đáng ngại là do tâm lý "bầy đàn" và lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội, những thông tin vu khống chưa được kiểm chứng có thể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường, những thông tin nào chưa được xác minh mà đã lan truyền trên mạng xã hội, ảnh hưởng tới doanh nghiệp có thể bị xem xét và xử lý hành vi vu khống. Bởi ngay cả khi đã xác minh được, người nghe cũng khó hiểu đúng bản chất. “Cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm nhằm hạn chế "dịch bệnh" bôi xấu, vu khống lây lan”, luật sư Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, cần bổ sung cơ chế ước lượng mức độ thiệt hại khi doanh nghiệp bị chơi xấu. Từ đó, hỗ trợ tốt nhất cho họ trong cuộc chiến chống truyền thông “bẩn” để ngăn chặn các đối tượng thực hiện hành vi xấu.

Theo luật sư Nhung, mỗi doanh nghiệp dù có quy mô lớn hay nhỏ đều cần xây dựng bộ phận pháp chế để có thể giải quyết được tốt nhất mọi rắc rối liên quan đến pháp lý. Trước hết, bộ phận này có thể giúp doanh nghiệp tự theo dõi, cập nhật các quy định pháp luật nhanh nhất để chấp hành thật tốt các quy định về thuế, thương hiệu, đăng ký nhãn mác, bản quyền… Sau đó, khi có dấu hiệu bị vu khống, chơi xấu, doanh nghiệp có bộ phận pháp chế sẽ phản ứng nhanh hơn so với doanh nghiệp khác trong việc ngăn chặn lây lan tin xấu, tin giả; cảnh báo đối thủ.

“Đặc biệt, doanh nghiệp lớn đến một mức độ nhất định nên có luật sư đại diện thương hiệu để được hỗ trợ tốt nhất trong các tình huống cần tố cáo, tố giác… hành vi xấu của đối thủ với các cơ quan chức năng”, luật sư Nhung chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền

    03:00, 13/04/2024

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng

    03:20, 14/04/2024

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 3 – Rầm rộ phong trào… “bóc phốt”

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 3 – Rầm rộ phong trào… “bóc phốt”

    03:10, 17/04/2024

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 4 – Những nạn nhân của … “thời đại”

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 4 – Những nạn nhân của … “thời đại”

    03:00, 19/04/2024

NGUYỄN GIANG