Quảng Ninh: Tốp đầu chỉ số PCI "Đào tạo lao động”
Chỉ số Đào tạo lao động - 1 trong 10 chỉ số thành phần PCI. Theo kết quả khảo sát PCI năm 2022, chỉ số “Đào tạo lao động” Quảng Ninh đạt 7,67 điểm, xếp thứ 1 toàn quốc.
Năm 2023, Chỉ số PAR INDEX của Sở đạt 90,5 điểm (hạng xuất sắc), xếp thứ 1/20 sở, ban, ngành; Chỉ số SIPAS 94,22 điểm, xếp thứ 9/20 sở, ban, ngành; Chỉ số DDCI đạt 78,31 điểm (xếp hạng xuất sắc), xếp thứ 2/20 sở, ban, ngành; Chỉ số DTI đạt 627 điểm, xếp thứ 09/33 cơ quan, đơn vị.
Tăng cường kết nối cung cầu lao động
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn – Giám đốc Sở LĐ-TBXH Quảng Ninh, để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI tỉnh, trong đó có chỉ số “Đào tạo lao động”, Sở tăng cường kết nối cung – cầu lao động, hướng nghiệp, tạo việc làm mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động, để tạo nền tảng thu hút nhà đầu tư về tỉnh.
Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung có liên quan để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” của tỉnh Quảng Ninh;
Triển khai Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm, Sở chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, xây dựng các nghị quyết, quyết định, kế hoạch hỗ trợ GDNN, giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, cung ứng, thu hút, tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng lao động của doanh nghiệp...; phối hợp với Chi nhánh NHCSXH triển khai hoạt động cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm;...
Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh chia sẻ: Với mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tạo việc làm tăng thêm cho từ 13 đến 15 nghìn lao động. Trung tâm đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường lao động thông qua các hoạt động hỗ trợ tuyển dụng lao động miễn phí: (1) Tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ có kết nối trực tuyến trong và ngoài tỉnh vào thứ 5 hằng tuần tại 04 TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái; (2) Tổ chức các ngày hội tư vấn việc làm & xuất khẩu lao động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp tới NLĐ tại địa phương; (3) Duy trì và phát triển các kênh Fanpage Facebook (TTDVVL Quảng Ninh; Sàn Giao dịch việc làm (GDVL) Quảng Ninh) để đăng tải, cập nhật kịp thời các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến NLĐ; hỗ trợ trực tuyến NLĐ có nhu cầu tìm kiếm việc làm;...
Kết quả năm 2023: đã tổ chức 140 sàn GDVL định kỳ có kết nối trực tuyến trong và ngoài tỉnh, 12 phiên GDVL lưu động/ngày hội việc làm và tư vấn xuất khẩu lao động; 10 buổi định hướng nghề nghiệp cung cấp thông tin thị trường lao động cho học sinh các trường THPT; Trung tâm GDNN - GDTX; 08 sàn GDVL chuyên đề kết nối các tỉnh thành khu vực phía Bắc, các buổi tư vấn định hướng việc làm cho người lầm lỗi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 23.443 lao động tăng 1,8 lần năm 2022, dần đáp ứng nhu cầu lao động tại các Khu, CCN, doanh nghiệp, HTX, các ngành nghề trong tỉnh. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ước đạt 1.207 người, tăng khoảng 3 lần kế hoạch năm. Từ 2018 -2023 tỷ lệ thất ngiệp trung bình thấp trên cả nước. Ông Khánh trao đổi.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2024 có 87% lao động qua đào tạo, phấn đấu có 30.000 việc làm tăng thêm, số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 600 người. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh.
“5 bước trên môi trường điện tử” xuyên suốt, nhất quán, minh bạch
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Quảng Ninh chia sẻ, Sở đặc biệt chú trọng việc nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (TTPVHCC); tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tuyệt đối không phát sinh các Chi phí không chính thức, để nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, người dân đối với các DVC được giải quyết tại Trung tâm.
Hiện nay, có 39/51 TTHC của Sở được tiếp nhận và giải quyết tại TTPVHCC thực hiện 5 bước tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả); tích hợp 100% DVC trực tuyến đủ điều kiện lên Cổng DVC quốc gia. Giai đoạn 2014-2024, Sở thực hiện tiếp nhận và giải quyết trên 13.000 hồ sơ TTHC tại TTPVHCC tỉnh. Các hồ sơ TTHC của Sở được tiếp nhận và giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ cao trên 92%; Sở luôn nhận được đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức khi nộp hồ sơ TTHC của Sở tại TTPVHCC tỉnh hằng năm luôn đạt mức trên 95%.
Từ tháng 6/2022, Sở LĐ - TB&XH được vinh dự là 1 trong 5 Sở được chọn thí điểm thực hiện số hóa, bóc tách dữ liệu, ký số “5 bước trên môi trường điện tử” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), thông tin giải quyết TTHC để tái sử dụng đối với các TTHC về sau. Từ tháng 6/2022 đến tháng 2/2024, Sở đã thực hiện 3.757 TTHC “5 bước trên môi trường điện tử”, xuyên suốt, nhất quán đã giúp cán bộ xử lý hồ sơ nhanh chóng, chính xác, kịp thời, tăng hiệu quả làm việc, hiệu quả quản lý, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết TTHC; được thẩm định, phê duyệt mọi lúc, mọi nơi, lãnh đạo Sở không phải qua TTPVHCC tỉnh để ký phê duyệt như quy trình 5 bước tại chỗ mà sẽ thực hiện ký số trả kết quả qua mạng. Từng bước xây dựng, hoàn thiện giải pháp tích hợp, chia sẻ, kết nối liên thông trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Một cửa điện tử tỉnh tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành hướng tới hình thành Cơ sở dữ liệu dùng chung.
Đối với người dân, doanh nghiệp, việc triển khai quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” có thể thực hiện nộp hồ sơ giải quyết TTHC mọi lúc, mọi nơi, giúp giảm chi phí, thời gian khi giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC, tăng cường sự giám sát của người dân, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu.
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 45 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN. Hằng năm, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người. Các đơn vị này tham gia đào tạo 141 ngành, nghề theo 07 nhóm nghề. Tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh là khoảng 735.000 người, hằng năm lực lượng lao động tỉnh Quảng Ninh cần bổ sung từ khoảng 15.000 đến 19.000 lao động và tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ - du lịch.
Tập trung nâng cao chất lượng GDNN, phát triển một số cơ sở GDNN và chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Phát triển GDNN ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo; tăng cường công tác hướng nghiệp, giáo dục phổ thông; thực hiện đồng bộ phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS vào GDNN chất lượng cao. Tập trung chỉ đạo đổi mới đồng bộ nội dung, chương trình, phương thức đào tạo nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở GDNN theo hướng chất lượng cao.
Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh và tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp thông qua việc thực hiện: Tổ chức Hội nghị nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Phối hợp BCH quân sự tỉnh xây dựng “Đề án hỗ trợ cho công dân nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự, Công an nhân dân và giải quyết việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an nhân dân hằng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Bà Lê Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Trường CĐ Y tế Quảng Ninh cho biết, với Sở LĐ-TB&XH nhà trường gắn bó chặt chẽ, đặc biệt các cuộc hội thảo về 3 nhà “ nhà nước– nhà trường- nhà doanh nghiệp”; tham gia các cuộc tuyển sinh của Sở và các địa phương; thi kỹ năng nghề HSSV; hội giảng nhà giáo cấp tỉnh. Sở tham gia thẩm định chương trình, giáo trình của nhà trường; phối hợp TTDVVL tỉnh Quảng Ninh tham gia tư vấn việc làm – Trung tâm đã gắn kết, giới thiệu các học viên học chương trình đào tạo ngắn hạn với nhà trường.
Tỉnh Quảng Ninh, đến năm 2030, thu hút 50%-55% học sinh tốt nghiệp THCS,THPT vào hệ thống GDNN. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 90%, trong đó đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt trên 55%; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Xây dựng lộ trình đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho lao động ngành than đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh; ..
Tỷ lệ lao động có các kỹ năng CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đạt 90%. Ít nhất 70% cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% CBQL được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại; Phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia; Đào tạo trên 50.000 lao động cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hằng năm hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo...; trên 500 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp VVN trên địa bàn tỉnh ở trình độ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động tại các cơ sở SX-KD, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng Trường CĐ Việt - Hàn Quảng Ninh theo hướng trường chất lượng cao cùng với các cơ sở GDNN khác trên địa bàn tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; có khoảng 15 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có khoảng 3 - 5 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.
Đây là những giải pháp hết sức thiết thực nhằm nâng cao Chỉ số “Đào tạo lao động” của Quảng Ninh trong thời gian tới. Cũng như góp phần nâng cao Chỉ số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tỉnh Quảng Ninh các năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm