2 doanh nghiệp liên quan tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chia cổ tức khủng

LÊ MỸ 21/04/2024 13:38

Masan Consumer và Techcombank đều có kế hoạch chia cổ tức cao bất ngờ, phá kỷ lục của chính các doanh nghiệp này, trong mùa ĐHĐCĐ thường niên 2024.

>>>Masan thiết lập hệ sinh thái O2 để tạo dòng tiền mạnh

Đây là 2 doanh nghiệp đều có liên quan, do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và nhóm liên quan nắm cổ phần chi phối, liên kết.

Với CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UpCOM: MCH), thành viên thuộc CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN), đây là doanh nghiệp hàng đầu ngành tiêu dùng trên thị trường. Trong kế hoạch xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hiện đại hàng đầu Việt Nam, sở hữu Masan Consumer Holdings và WinCommerce (WCM) - là các nhân tố không thể thiếu, đã được hợp nhất tạo nên The CrownX của Masan, cùng hai mảnh ghép quan trọng là Phúc Long và mạng viễn thông Reddi, Supra... và các đơn vị khác.

Masan Consumer đạt lợi nhuận kỷ lục năm 2023, dự kiến chia cổ tức cao nhất tính trong vòng 5 năm với tỷ lệ 100%. (Ảnh minh họa, nguồn: MSN)

Masan Consumer đạt lợi nhuận kỷ lục năm 2023, dự kiến chia cổ tức cao nhất tính trong vòng 5 năm với tỷ lệ 100%. (Ảnh minh họa, nguồn: MSN)

Năm 2024, MCH tiếp tục là đơn vị thành viên đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong báo cáo tài chính hợp nhất của Masan. 

Theo BCTN Masan 2024, trong bối cảnh môi trường vĩ mô còn nhiều thách thức và nhu cầu trong nước sụt giảm, doanh thu thuần của Masan trong năm tài chính 2023 đạt 78.252 tỷ đồng, tăng 2,7% so với mức 76.189 tỷ đồng của năm tài chính 2022, nhờ nhu cầu ổn định đối với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong gia đình do MCH và MML (Masan MEATLife) cung cấp.

Quý IV/2023, MCH ghi nhận lợi nhuận kỷ lục, giúp lợi nhuận thuần sau thuế trong năm tài chính 2023 tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời duy trì mức hàng tồn kho hợp lý. Lợi nhuận trong năm tài chính 2023 của MCH đến từ thế mạnh về danh mục sản phẩm, chiến lược giá củng cố bởi thương hiệu mạnh và vận hành hiệu quả. MCH cũng tận dụng chuỗi bán lẻ của WCM và các nền tảng số để thúc đẩy tốc độ đổi mới và nâng cao tỷ lệ thành công.

>>>Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của Masan tăng trưởng 40% lợi nhuận

Masan cho biết chiến lược “Go Global” trong năm 2023 đã mang lại kết quả tích cực, nổi bật nhất là thương hiệu CHIN -SU, với doanh thu xuất khẩu trong năm tài chính 2023 tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức 1.005 tỷ đồng. Đáng chú ý, thương hiệu tương ớt CHIN-SU đã đạt được vị trí top 8 sản phẩm bán chạy nhất trên Amazon. "Những thành tựu này mang lại tổng doanh thu xuất khẩu đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 31% trong giai đoạn từ năm tài chính 2020 đến năm tài chính 2023. “Go Global” sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của MCH trong trung và dài hạn khi công ty dự định quảng bá văn hóa ẩm thực F&B của Việt Nam tới 8 tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Với kết quả đột phá như vậy, trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, MCH dự kiến nâng mức cổ tức tiền mặt lên 100% (1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng), trước đó đã tạm ứng 45% và sẽ chi trả 55% còn lại trong năm 2024. 

Báo cáo phân tích mới đây của CTCK Vietcap cho rằng, mức chi trả cổ tức 10.000 đồng/cp cho năm 2023 của MCH cao hơn mức chi trả hàng năm là 4.500 đồng/cổ phiếu trong 5 năm qua (ngoại trừ năm 2022 không chia). Ngoài ra, lợi suất cổ tức (cổ tức bằng tiền/thị giá cổ phiếu) của MCH tương đương 7,2%, tương đối cao hơn so với các công ty F&B niêm yết trong nước như Sabeco (6,5%) và Vinamilk (6,0%) cho năm tài chính 2023.

Đáng chú ý, MCH cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua việc niêm yết toàn bộ 717.504.156 cổ phiếu đang lưu hành của công ty trên Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE).

HSBC Research đánh giá trong báo cáo mới công bố là việc chuyển sàn sang HoSE sẽ có thể giúp cho cổ phiếu MCH có tính thanh khoản cao hơn.

Theo HSBC Research, Masan Consumer có "thành tích" về tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực. Theo phương pháp định giá SOPT (tổng các giá trị thành phần), HSBC định giá Masan Consumer chiếm 52% giá trị của Masan Group. 

HSBC Research cũng nhận định việc chuyển sàn của MCH vào đầu năm 2025 sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho cổ phiếu Masan, vốn đang bị định giá thấp. Khối phân tích đơn vị này theo đó định giá cổ phiếu MSN ở mức 98.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 47% so với thị giá hiện tại.

Một doanh nghiệp đặc thù là Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank, HoSE: TCB), đơn vị liên kết của Masan Group, cũng sắp dự chi cổ tức bằng tiền mặt kèm chia cổ phiếu khủng với tỷ lệ "10 năm có 1".

TCB đang dẫn đầu về tỷ lệ ROAA trong hệ thống ngân hàng. (Nguồn: ĐHĐCĐ TCB 2024)

TCB đang dẫn đầu về tỷ lệ ROAA trong hệ thống ngân hàng. (Nguồn: ĐHĐCĐ TCB 2024)

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TCB diễn ra vào cuối tuần 20/4 đã thông qua chia cổ tức tiền mặt sau nhiều năm giữ lại vốn để hoạt động, tỷ lệ 15%, cùng với đó là chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100%. 

Như vậy, sau 10 năm không trả cổ tức, năm nay Techcombank quyết định chi hơn 5.200 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt. Cùng với đó, thực thi phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, nếu thành công, cũng sẽ mang đến lợi ích lớn cho cổ đông.

Tại ĐH, Lãnh đạo TCB cho biết nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ bao gồm: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới).

Theo báo cáo tài chính năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Techcombank đạt gần 22.900 tỷ đồng, vượt 900 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ 2023. Tín dụng tăng 19,2%, lên 530.148 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 ở mức 14,4%, cao hơn đáng kể so với yêu cầu tối thiểu là 8%.

Tại đại hội lần này, cổ đông Techcombank đã bầu ra các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024 - 2029. Các thành viên của HĐQT nhiệm kỳ mới đã ra mắt gồm: Ông Hồ Hùng Anh; Ông Nguyễn Đăng Quang; Ông Nguyễn Thiều Quang; Ông Nguyễn Cảnh Sơn; Ông Hồ Anh Ngọc; Bà Nguyễn Thu Lan; Ông Saurabh Narayan Agarwal; Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc (thành viên độc lập); Ông Eugene Keith Galbraith (thành viên độc lập). Trong đó, ông Nguyễn Đăng Quang được biết là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Thiều Quang cũng nắm giữ vị trí quan trọng trong HĐQT và Ban Lãnh đạo của nhiều Công ty thành viên thuộc Masan Group.

Có thể bạn quan tâm

  • 9 tháng năm 2023, Masan đạt doanh thu thuần 57.470 tỷ đồng

    9 tháng năm 2023, Masan đạt doanh thu thuần 57.470 tỷ đồng

    13:00, 30/10/2023

  • Masan High-Tech Materials phát triển các sản phẩm phục vụ công nghệ năng lượng xanh

    Masan High-Tech Materials phát triển các sản phẩm phục vụ công nghệ năng lượng xanh

    11:00, 29/10/2023

  • Dùng M&A, Masan giữ thị phần bán lẻ cho thương hiệu Việt

    Dùng M&A, Masan giữ thị phần bán lẻ cho thương hiệu Việt

    16:00, 30/11/2023

  • Một quỹ đầu tư tư nhân lớn dẫn đầu giao dịch góp 500 triệu USD vào Masan

    Một quỹ đầu tư tư nhân lớn dẫn đầu giao dịch góp 500 triệu USD vào Masan

    13:00, 02/10/2023

  • Masan vào Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

    Masan vào Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

    14:41, 19/09/2023

LÊ MỸ